Bản tin tháng 02/2021

Khoáng Vật Vlasovite Mài Giác

 

Hình 1: Viên đá hình bát giác cắt kiểu giác cúc biến thể, nặng 1,20 ct này được xác định là khoáng vật quý hiếm vlasovite. Ảnh của Diego Sanchez.

Phòng giám định GIA ở Carlsbad gần đây có nhận được yêu cầu kiểm định một loại đá có các đặc điểm không phù hợp với bất kỳ loại đá đã được xác định trước đây tại GIA. Viên đá hình bát giác màu vàng, cắt kiểu giác cúc rực rỡ biến thể này (hình 1), có kích thước 6,41 × 5,26 × 4,68 mm, nặng 1,20 ct và có tỉ trọng là 3,01. Các đặc điểm dưới kính hiển vi quan sát được bao gồm các mặt song tinh song song sắc nét (hình 2), các mặt nứt óng ánh nhiều màu, các mây dạng sợi và bao thể dạng “dấu vân tay”. Các kiểm tra ngọc học cơ bản khác cho thấy nó có tính khúc xạ kép, với họa tiết hình ảnh hai trục quang và chỉ số chiết suất từ 1,608 – 1,628. Nó phát quang màu vàng rất yếu dưới tia UV sóng ngắn và không có phản ứng dưới tia UV sóng dài. Phổ Raman của đá (hình 3) được đối sánh thấy ăn khớp với một loại trong cơ sở dữ liệu của RRUFF, xác nhận danh tính của viên đá quý này là vlasovite, một khoáng vật inosilicate – silicate mạch có công thức hóa học là Na2ZrSiO4O11  (rruff.info/vlasovite/R060913).

 

Hình 2: Các mặt song tinh đầy màu sắc được quan sát thấy trong vlasovite mài giác dưới ánh sáng phân cực. Ảnh chụp dưới kính của Jessa Rizzo; trường quan sát 3,23 mm.

Vlasovite được biết là được tìm thấy trong pegmatite ở miền Bắc nước Nga, Canada và Bồ Đào Nha. Nó được đặt theo tên của Kuzma Alekseevich Vlasov, người đã nghiên cứu khu vực này và phát hiện ra khoáng vật vlasovite (handbookofmineralogy.com). Vlasovite là một khoáng vật hiếm và đá có chất lượng mài giác thì càng đặc biệt hiếm. Đây là mẫu đá vlasovite mài giác đầu tiên được kiểm tra tại phòng giám định GIA ở Carlsbad.

Hình 3: Quang phổ Raman đã xác nhận danh tính của viên đá là vlasovite.

(Theo Jessa Rizzo, phần Lab Notes quyển G&G Fall 2019)

 

Mây Dạng Cơn Mưa Trong Alexandrite

 

Hình 4: Một viên alexandrite được nhìn thấy chứa các hạt mịn màu trắng sữa và các dãy mây lụa giống như một đám mây mưa. Ảnh chụp dưới kính của Britni LeCroy; trường quan sát 2,90 mm.

Một ví dụ về sự mô phỏng các hiện tượng thiên nhiên đã được nhìn thấy trong một viên alexandrite mài giác, nặng 0,73 ct cho thấy hình ảnh bao thể gợi liên tưởng đến hình ảnh một đám mây mưa (hình 4). Bao thể dạng “đám mây” gồm các hạt màu trắng được định hướng như các dãy song song, chúng trông giống hình dạng đám mây khi nhìn ở một góc nhìn nào đó. Hình ảnh “hạt mưa” là các kim mịn phản xạ sắp xếp định hướng thường được gọi là “lụa”. Hệ thống đèn sợi quang cho phép tập trung ánh sáng trắng dưới đám mây được nhìn thấy, tạo ra sự xuất hiện của tia chớp. Hình ảnh bao thể được quan sát thấy trong viên đá quý này là một điều mới lạ thú vị mà bất kỳ chuyên gia ngọc học nào cũng muốn được nhìn thấy.

(Theo Britni LeCroy, GIA, Carlsbad, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Bao Thể Emerald Trong Thạch Anh Pha Lê

 

Hình 5: Một tinh thể emerald hình lăng trụ trong đá thạch anh pha lê. Ảnh chụp dưới kính của Nattida Ng-Pooresatien; trường quan sát 12,5 mm.

Thạch anh pha lê là một loại thạch anh trong suốt và không màu kết tinh dạng hạt lớn (SiO2) thường có các hốc chứa bao thể hai pha lỏng và khí. Nhiều khoáng vật khác cũng hình thành như một loại bao thể trong thạch anh pha lê. Các loại thạch anh chứa bao thể đặc trưng được sử dụng làm đá quý là thạch anh chứa rutile, thạch anh chứa tourmaline và thạch anh “dâu tây”. Các mẫu đá này cũng có thể chứa nhiều loại bao thể khoáng vật khác.

Gần đây, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra một viên thạch anh pha lê mài dạng cabochon, nặng 10,95 ct có chứa các tinh thể hình que dài màu lục (hình 5). Các tinh thể màu lục có tiết diện cắt ngang hình lục giác và được xác định bằng quang phổ Raman là beryl. Quang phổ cực tím/nhìn thấy/gần hồng ngoại (UV–Vis–NIR) cho thấy sự hiện diện của chromium (Cr), xác nhận rằng các tinh thể màu lục là emerald. Các bao thể thú vị này đã được ghi nhận trước đây trong một mẫu thạch anh pha lê (Fall 2008 Lab Notes, trang 258), nhưng đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu kiểm tra một viên thạch anh pha lê dạng cabochon chất lượng quý có chứa bao thể tinh thể emerald hình lục giác hoàn hảo.

(Theo Nattida Ng-Pooresatien, GIA, Bangkok, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Conichalcite Trong Thạch Anh Chalcedony

Một viên đá chalcedony mài dạng cabochon, màu xanh phớt lục thú vị đã được kiểm tra để xác định tên của một số bao thể đặc biệt có màu lục phớt vàng. Màu tổng thể cung cấp một số manh mối, vì nhiều loại chalcedony màu xanh phớt lục, được gọi là “đá quý silica”, thường được cho là khoáng vật chứa đồng, chrysocolla. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đo phổ Raman xác định các bao thể màu lục phớt vàng là một khoáng vật khác có chứa một lượng đồng đáng kể: conichalcite (hình 6).

 

Hình 6: Phổ Raman đã xác định các bao thể có màu lục phớt vàng trong viên chalcedony chủ này là khoáng vật đồng conichalcite. Ảnh chụp dưới kính bởi Nathan Renfro; trường quan sát 7,20 mm.

Conichalcite, CaCu(AsO4)(OH), là một thành viên của nhóm adelite–descloizite và có các màu chủ đạo là từ lục đến vàng, phớt vàng hoặc lục. Conichalcite được báo cáo là hiện diện cùng với chrysocolla từ các mỏ ở Hoa Kỳ (Utah, Arizona và California), Đức, Peru và Úc. Viên đá quý đặc biệt này được cho là từ Concepcion Del Oro, Zacatecas, Mexico.

Những bao thể màu tươi sáng này khá nổi bật về mặt thị giác khi nhìn thấy nằm trong chalcedony chủ màu xanh phớt lục. Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu xác định được sự hiện diện của các bao thể conichalcite trong chalcedony.

(Theo Nathan Renfro và John I. Koivula, GIA, Carlsbad, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Iolite Và Sunstone Mộc Xen Lẫn Nhau

 

Hình 7: Một mẫu tinh thể iolitesunstone mọc xen lẫn nhau. Ảnh của Kevin Schumacher.

Gần đây, phòng giám định GIA ở Carlsbad, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra một viên đá iolite “đốm máu” dạng cabochon (chứa các hematite màu đỏ dạng đĩa mỏng, có thể nhìn thấy bằng mắt) được mọc xen với một loại đá sunstone (hình 7). Khoáng vật này được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cordierite (iolite) và feldspar plagioclase là một tổ hợp khoáng vật biến chất phổ biến, và khoáng vật tương tự đã được ghi nhận trong quá khứ là có ở Ấn Độ (Winter 1991 Gem News, trang 261 – 262).

Mẫu đá quý “kép” này hiển thị sự pha trộn màu lưỡng sắc xanh phớt tím hấp dẫn chứa các hematite màu đỏ dạng đĩa mỏng ở phía phân nửa là iolite, kết hợp với hiệu ứng óng ánh màu cam từ vô số hematite màu đồng dạng dĩa nhỏ ở phân nửa là sunstone.

 

Hình 8: Hình ảnh đầy màu sắc này cho thấy một bao thể tinh thể anthophyllite, có độ trong suốt cao, một số mặt cát khai và một dạng tinh thể lăng trụ mỏng/dạng phiến. Ảnh chụp dưới kính của Jonathan Muyal; trường quan sát 2,34 mm.

Quan sát viên đá dưới độ phóng đại cho thấy một hình ảnh bao thể chứa nhiều hematite dạng dĩa tự hình, các tinh thể và bao thể lỏng. Mối quan tâm đặc biệt là bao thể đơn tinh thể dạng trụ thon dài của anthophyllite (hình 8).

Hình dạng tinh thể của anthophyllite có thể dễ bị nhầm lẫn với phlogopite, đã được ghi nhận trong cordierite (E. J. Gübelin và J. I. Koivula, Photoatlas of Inclusions in Gems, Vol. 1, ABC Edition, Zurich, 1986, trang 268). Trên thực tế, một số bao thể tinh thể phlogopite hình lăng trụ màu nâu phớt lục cũng được quan sát thấy bên trong mẫu vật như thế này. Tuy nhiên, tinh thể anthophyllite đã được xác định một cách chính xác bằng phân tích vi phổ Raman. Bao thể tinh thể anthophyllite có dạng tinh thể lăng trụ thon dài, màu vàng phớt cam, trong suốt và có một số mặt cát khai.

Mặc dù các bao thể tinh thể amphibole đã được ghi nhận rộng rãi, nhưng các bao thể tinh thể anthophyllite hình lăng trụ tự hình như thế này là rất hiếm và ít tài liệu tham khảo ghi nhận được. Anthophyllite phổ biến hơn ở dạng phiến hoặc dạng sợi, được phân loại là asbestos (amiăng).

Mẫu đá kết hợp giữa iolite–sunstone này và các bao thể của nó mang đến một bố cục hình ảnh độc đáo khiến nó trở thành một mẫu vật hấp dẫn cho bộ sưu tập đá quý.

(Theo Jonathan Muyal và Paul Mattlin, GIA, Carlsbad, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Khoáng Vật Merelaniite Trong Diopside Chất Lượng Quý

Từ Vùng Merelani, Tanzania

Hình 9: Trái: Tinh thể diopside hình lăng trụ (cao 1,5 cm) chứa nhiều tinh thể dạng sợi merelaniite, với đoạn cuối được liên kết với than chì, và tập hợp tỏa tia của các tinh thể mesolite hình kim màu trắng nằm trên một số mặt lăng trụ. Ảnh của Tom Stephan. Trên cùng bên phải: Cận cảnh bao thể merelaniite (trường quan sát ~ 8 mm), được nhìn qua kính phân cực để giảm ảnh hưởng của hiện tượng lưỡng chiết của diopside. Dưới cùng bên phải: Chi tiết một số bao thể merelaniite cho thấy cấu trúc dạng con quay do sự phát triển không đồng đều của lớp xung quanh trục tinh thể dạng sợi (trường quan sát 1,5 mm). Ảnh chụp dưới kính của J. A. Jaszczak.

Một bài viết gần đây trong phần Micro-World (Summer 2018 G&G, trang 226 – 227) đã mô tả merelaniite hiện diện ở dạng những bao thể dày đặc trong một viên tanzanite dạng cabochon và là những bao thể thông thường trong hai tinh thể tanzanite chất lượng quý. Mặc dù các mỏ tanzanite ở Merelani cũng đã trở nên nổi tiếng với loại đá diopside lục trong những năm gần đây, nhưng đây lần đầu tiên, vào tháng 7 năm 2019, nhóm nghiên cứu mới quan sát thấy dạng bao thể dày đặc với những tinh thể dạng sợi mịn merelaniite trong các tinh thể diopside hình lăng trụ, màu lục–vàng chất lượng quý (hình 9, trái).

Bảy tinh thể diopside chứa bao thể merelaniite, được cho biết là khai thác vào năm 2018 và được Werner Radl thu mua, có kích thước dài từ khoảng 1 đến 5 cm. Không xét đến các bao thể merelaniite, hầu như tất cả các viên đá đều có độ sạch tuyệt vời, chỉ riêng tinh thể dài 1,7 cm chứa dày đặc bao thể merelaniite đến mức một nửa mẫu đá đó có vẻ rất tối. Tương tự như các bao thể được quan sát thấy trong tanzanite, các bao thể merelaniite có trong diopside chủ yếu là các tinh thể dạng sợi hình trụ với ánh kim loại, có đường kính và chiều dài thay đổi. Tinh thể dạng sợi dài nhất trong viên diopside lớn nhất dài tới 2 cm (hình 9, trên cùng bên phải), và nhiều sợi phát triển ra tới bề mặt, nơi chúng kết thúc. Một số sợi merelaniite cho thấy cấu trúc dạng con suốt (con quay) hoặc bánh xe với đường kính thay đổi dọc theo trục của mỗi sợi riêng lẻ (hình 9, phía dưới bên phải). Một số bao thể dạng dây ruy–băng cũng hiện diện, có khả năng chúng cũng là merelaniite. Tất cả các viên diopide còn chứa các cụm tinh thể mesolite hình kim tỏa tia, tổng thể giống dạng khối cầu màu trắng, tuy nhiên một số tinh thể thì lại chứa graphite (than chì) và có một tinh thể thì chứa bao thể tinh thể fluorapatite trong suốt, màu xanh.

Hình 10: Trái: Viên diopside mài giác, nặng 1,35 ct có chứa các bao thể merelaniite. Ảnh của Diego Sanchez. Phải: Cận cảnh hình thái dạng bánh xe và dạng sợi của các bao thể merelaniite. Ảnh chụp dưới kính của Nathan Renfro; trường quan sát 1,03 mm. Đá được cho mượn nghiên cứu bởi Bill Vance.

Trong khi nghiên cứu tài liệu liên quan được báo cáo trước đây, Nathan Renfro của GIA đã có sự liên hệ giữa các tinh thể diopside chứa bao thể này và một viên diopside Merelani mài giác (hình 10, bên trái) chứa bao thể dạng sợi sẫm màu. Ông John I. Koivula đã mua các viên diopside đó từ Bill Vance, thợ cắt mài đá, vào khoảng năm 2012. Bao thể tinh thể dạng sợi trong viên đá 1,35 ct này, một số được bao quanh bởi các tăng trưởng hình tròn sẫm màu đáng chú ý (hình 10, bên phải), cũng đã được xác nhận bằng phổ Raman là merelaniite.

(Theo Werner Radl (mawingugems@yahoo.de), Mawingu Gems, Idar-Oberstein, Germany; John I. Koivula và John A. Jaszczak (jaszczak@mtu.edu), Michigan Technological University, Houghton, Michigan, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Khoáng Vật Dravite Từ Mozambique Chứa Rất Nhiều Bao Thể Pyrite

 

Hình 11: Sáu viên dravite tourmaline mài giác, màu vàng đến vàng phớt nâu (0,47–2,8 ct) từ Mozambique, nhiều trong số đó chứa bao thể kim loại pyrite dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Ảnh của Weizhi Huang.

Vào mùa hè năm 2017, ông Jingcheng Pei đã nhìn thấy một lô đá tourmaline trong suốt, màu vàng đến vàng phớt nâu tại chợ đá quý ở Chanthaburi, Thái Lan. Sáu viên tourmaline mài giác nhìn thấy trong hình 11 được ông mua từ lô hàng đó cho thấy các đặc điểm phù hợp với tourmaline. Phân tích LA–ICP–MS được thực hiện để xác định các thành phần hóa học chính của chúng, bao gồm: 11,56–12,31% MgO; 9,98–10,34% B2O3; 2,62–2,82% Na2O; 0,68–1,06% CaO; 0,17–0,45% TiO2 và 0,11–0,25% FeO (tổng lượng sắt). Một lượng nhỏ Li, K, V, Cr, Mn, Zn, Ga và Sr cũng được phát hiện, cho thấy nó là dravite tourmaline.

Những viên dravite này rất đặc biệt vì chứa rất nhiều bao thể tinh thể pyrite tự hình (hình 12), đã được xác nhận bằng phổ Raman. Điều này đã được báo cáo trước đây mà không có phân tích Raman (xem Spring 2007 GNI, trang 73–75). Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu nhìn thấy nhiều tinh thể pyrite không bị biến đổi (nguyên sinh) trong đá dravite chất lượng quý có màu vàng đến vàng phớt nâu từ Mozambique.

 

Hình 12: Viên dravite này chứa pyrite dễ dàng nhận biết bằng mắt thường, đã được xác nhận bằng phép đo phổ Raman. Ảnh chụp dưới kính của Weizhi Huang; trường quan sát 0,8 mm.

(Theo Weizhi Huang và Jingcheng Pei, Gemmological Institute, China University of Geosciences, Wuhan, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)

 

Bao Thể Dạng Chuỗi Lệch Trục Trong Đá Sunstone Vùng Oregon

 

Hình 13: Viên đá sunstone vùng Oregon có màu đỏ phớt cam này chứa một họa tiết trang trí dạng vòng xoắn lệch trục thú vị có thể nhìn thấy dưới đèn sợi quang. Ảnh chụp dưới kính của Jessa Rizzo; trường quan sát 4,79 mm.

Gần đây, ông Jessa Rizzo đã kiểm tra một viên đá sunstone vùng Oregon, mài giác, màu đỏ phớt cam, chất lượng cao, nặng 6,77 ct. Viên đá được kiểm tra dưới độ phóng đại bằng đèn sợi quang, cho thấy chứa bao thể khác lạ với họa tiết hình một chuỗi xoắn lệch trục (hình 13). Các tiểu cầu copper – đồng không hòa tan, phổ biến trong đá sunstone vùng Oregon, cũng được nhìn thấy. Trong mẫu đá này, chuỗi xoắn lệch trục trang trí là họa tiết hình chữ nhật, phù hợp với cấu trúc tinh thể của feldspar chủ. Chuỗi xoắn lệch trục tán xạ ánh sáng độc đáo này là bao thể dạng chuỗi đầu tiên được ghi nhận trong đá sunstone ở Oregon.

(Theo Jessa Rizzo, GIA, Carlsbad, phần Micro-World quyển G&G Fall 2019)