Ngọc Trai Nuôi Nước Ngọt Trung Quốc Có Nhân Là Ngọc Trai Nuôi Nước Ngọt (Bản tin tháng 02/2013)

Mới đây Jeremy Shepherd of Pearl Paradise, Los Angeles, California có cho GIA mượn một chuỗi hạt ngọc trai nuôi nước ngọt xuất xứ từ Trung Quốc để nghiên cứu. Theo ông Shepherd, chuỗi hat này đươc nuôi cấy tại khu nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Giang Tô, là nguồn cung cấp loại ngọc trai “Soufflé” (nhân cấy từ bùn đất) xuất hiện trên thị trường từ tháng 9 năm 2009 (xem phần GNI, quyển G&G Spring 2010, trang 61 – 63).

Hình 2: Ngọc trai nuôi nước ngọt Trung Quốc (dài 17 – 21 mm) có nhân cấy là ngọc trai nuôi hình dạng méo mó. Ảnh chụp bởi E. Strack.

Chuỗi hạt này ban đầu gồm 23 hạt ngọc trai nuôi với tổng trọng lượng là 66,8 g; sau đó lấy ra 02 hạt để kiểm tra bằng phương pháp hủy mẫu. Chúng có hình dạng méo mó, kích thước từ 17,0 x 12,0 mm đến 21,0 x 13,6 mm. Chúng có nhiều màu khác nhau từ trắng với tông màu phụ khá rõ là lục phớt tím đến tím nhạt, lục phớt tím, cam và đồng thau với nhiều tông màu phụ. Có năm viên màu trắng phát quang mạnh màu xanh dưới chiếu xạ cực tím sóng dài; những viên còn lại thì không phát quang. Tất cả đều có ánh kim loại (xem lại hình 2).

Hình 3: Ảnh chụp X-quang của các viên ngọc trai nuôi (trái) cho thấy hình dạng hơi tròn của nhân cấy và cấu trúc đồng tâm được quan sát rõ trong một mẫu được cưa đôi (giữa, 15,7 x 12,5 mm). Một mẫu khác được đập vỡ thành nhiều mảnh (phải, kích thước ban đầu là 17 x 12 mm) cho phép tách ra được phần nhân cấy là ngọc trai nuôi nước ngọt hình dạng méo mó. Ảnh chụp bởi E. Strack.

13 trong số 23 viên ngọc trai nuôi được kiểm tra bằng phương pháp chụp X-quang. Thật lỳ lạ là hình ảnh X-quang của tất cả các hạt đều có dạng hơi tròn (hình 3, trái). Đặc biệt là đặc điểm bên trong cho ta đoán chắc rằng ngọc trai nuôi nước ngọt không nhân cấy đã được sử dụng trong trường hợp này. Tiếp tục kiểm chứng khả năng này, một hạt mẫu được cưa đôi (hình 3, giữa) đã cho thấy một cấu trúc đồng tâm được bao quanh bởi một vành xà cừ khác. Vành xà cừ này rất dễ phân biệt với phần bên trong và nó có màu hơi vàng hơn và có sự phân bố màu đồng nhất hơn; bề dày của chúng dao động từ 0,6 đến 1,2 mm. Hạt thứ hai được đập vỡ thành nhiều mảnh bằng búa của thợ kim hoàn, chứng thực rằng ngọc trai nuôi nước ngọt màu trắng hình dạng méo mó đã được sử dụng làm nhân cấy (hình 3, phải).

Hình 4: Phương pháp lai ghép giữa Hyriopsis cumingii và Hyriopsis schlegelii được suy đoán dùng để nuôi cấy loại ngọc trai này nhưng vẫn không lý giải được đường cong tại vành ngoài (nhìn theo dấu mũi tên) và sự tán sắc mạnh của vỏ trai. Vỏ này có viên bán ngọc trai, bên trái (dài 26,3 mm) và bên trên vỏ trai có để hầu hết là các viên “ngọc trai Soufflé” dài 10–17 mm. Ảnh chụp bởi Jeremy Shepherd.

Theo ông Shepherd, loại ngọc trai nuôi này được nuôi cấy giống với kiểu nuôi cấy của loại ngọc trai “Soufflés”, phương pháp này được coi như là một sự lai ghép giữa phương pháp Hyriopsis cumingii của Trung Quốc và Hyriopsis schlegelii của Nhật Bản, tuy nhiên nó có lẽ là một biến thể của phương pháp H. cumingii. Vỏ trai này cho thấy có một độ cong lạ thường trên vành ngoài của nó, điều này đến nay vẫn chưa thể giải thích được (hình 4). Độ cong tương tự cũng đã được quan sát thấy có trên vỏ ngọc trai của vùng Châu Âu cũ (Margaritifera margaritifera). Một ghi nhận thú vị là phần bên trong của vỏ trai cũng cho thấy một dãy màu tán sắc mạnh. Nguyên nhân của những màu có ánh kim loại này chưa được xác định, điều này cũng được nhìn thấy trong nhiều ngọc trai nuôi khác. Khả năng rất cao là cả hai mẫu “ngọc trai Soufflé” và “ngọc trai nhân ngọc trai” được mô tả trong báo cáo này đều được tạo ra trong lớp áo choàng của con trai, có thể là được nuôi cấy thêm lần nữa, bằng cách sử dụng các ngọc trai bị loại thải thu được từ mùa vụ thu hoạch trước đó. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Elisabeth Strack (info@strack-gih.de) Gemmologisches Institut Hamburg, Đức trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)