Bản tin tháng 01/2007

“CTy TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC kính chúc quý khách một năm an khang và thịnh vượng, chúc hoạt động sản xuất và kinh doanh kim hoàn của quý khách luôn phát triển”

Đã qua một năm nữa bao bộn bề lo toan, mọi người chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp. Cùng với không khí nô nức rước mùa xuân về, Bản tin giám định kỳ này phục vụ quý khách hình ảnh của một số bộ sưu tập nữ trang quốc tế và các dạng cắt mài độc đáo về đá quý, có lẽ quý khách sẽ bất ngờ vì những gì đã được sáng tạo bởi các nghệ nhân trong ngành kim hoàn. 

 

Tôn Vinh Sự Xuất Sắc Trong Đá Quý Và Nữ Trang

Ngày 27/08/2006, Bảo Tàng của Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) đã tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài trong 3 tháng với tên gọi “Tôn Vinh Sự Xuất Sắc Trong Đá Quý Và Nữ Trang” để chào mừng lễ hội kỷ niệm 75 thành lập GIA. Mỗi mẫu vật trưng bày đều đặc biệt do tính chất lịch sử, do duy nhất hoặc độc đáo. Chúng được mượn từ các bảo tàng, từ những bộ sưu tập tư nhân và các nhà thiết kế trên khắp thế giới.

Hình 1: Cài tóc theo dạng vương miện của công ty Cartier hết sức duyên dáng. Nó được làm trong năm 1908, bằng

 platin gắn 15 viên kim cương hình giọt nước, được phân bố theo kích thước tăng dần vào phía giữa cài tóc, chúng được treo

đung đưa bên dưới vành trên cài tóc. Nó được thiết kế theo kiểu cài tóc truyền thống của người Nga. Hình của Cty Cartier.

Hình 2: Bộ nữ trang gồm một vòng đeo cổ và đôi bông tai làm bằng tay, gắn kim cương baguette và tròn cùng đá ruby đỏ tự nhiên, không xử lý của Miến Điện. Bộ nữ trang này thuộc bà Maria Callas (1923-1977), là cố ca sĩ opera danh tiếng và cũng là một biểu tượng thời trang quốc tế sau chiến tranh thế giới lần II. Hình của Robert Weldon.     

 

Hình 3: Cartier giới thiệu một thiết kế vào năm 1922 của cài áo hình vành tròn, dùng để gắn trên áo hoặc gắn trên các nón rộng vành thời trang. Các đá kim cương gắn trong cài áo cùng với đá onyx đen theo kiểu “đốm đen con báo”, tạo một mô tip đặc trưng của cty Cartier cho đến ngày nay. Hình của Tino Hammid

  Hình 4: Cài áo hình con rồng của Ricardo Basta, gồm phần đầu bằng vàng được chạm trổ dạng vảy nhỏ, có sừng và răng bằng ngà voi, râu rồng là lông của voi, phần vây gồm vàng và kim cương tấm, các vảy cổ là saphia màu lục. Mắt rồng là đá garnet tsavorite gắn trên nền đá onyx đen. Hình của Robert Weldon.

Hình 5, 6, 7: Bộ sưu tập đá quý nổi tiếng của tiến sĩ Edward J. Gübelin, gồm hơn 2.700 mẫu, được nhiều người công nhận là bộ sưu tập cá nhân được thu thập tốt nhất và đầy đủ nhất trên thế giới. GIA đã có được bộ sưu tập này từ năm 2005. Trong hình 5, 6, 7 gồm các đá hiddenite, saphia và tourmaline, là vài mẫu trong bộ sưu tập vĩ đại này. Hình của Robert Weldon.

Hình 8: Các mỏ tourmaline nổi tiếng ở San Diego, gồm mỏ Tourmaline Queen, Tourmaline King, Stewart Lithia, Pala và Himalaya – đã góp vào bộ sưu tập này 12 tinh thể và 4 viên thành phẩm. Hình của Robert Weldon.

 

  Hình 9: Chiếc cài áo hình hoa lan với tên gọi “Vẻ Đẹp Là Gì” chứa 33 ct đá saphia màu tím xuất xứ Montana và Miến Điện, còn có kim cương tấm và spinel đỏ, mặt dưới có garnet demantoid. Hình của Harold và Erica Van Pelt.

 

 

 

 

  Hình 10: Benitoit là một loại đá quý chính ở California (phát hiện năm 1906), dễ bị lầm là saphia. Tiểu bang nay vẫn còn giữ lại nguồn chứa nổi tiếng của đá này. Benitoit lớn hơn 2 carat thì thật sự hiếm. Vòng đeo cổ bằng vàng và kim cương này chứa 52 viên benitoit nặng khoảng 33 ct. Hình của Harold và Erica Van Pelt.

 

 

Hình 11: Van Cleef & Arpels đã làm sống lại một phát minh – dây kéo – bằng một thiết kế vòng đeo cổ theo hình dây kéo bằng vàng, kim cương và ruby tấm vào đầu những năm 1950. Mẫu thiết kế này đã được sửa thành vòng đeo tay khi cắt bỏ bớt một phần phía sau, phần còn lại vẫn kéo mở ra và đóng lại được. Hình của Tino Hammid.

Hình 12: Cài áo hình hoa hồng tên là Princesse de Monaco là một vật nổi bật trong bộ Sưu tập Princess Grace của Cty Mikimoto (Mỹ) trong năm 2001. Hoa hồng này gồm nhụy là một hạt ngọc ốc màu hồng tự nhiên hiếm, các cánh hoa bên trong bằng vàng hồng và kim cương hồng, những cánh hoa phía ngoài bằng platin, kim cương trắng và spinel đỏ. Hai viên ngọc trai đen đóng vai trò là nụ mầm và các hạt garnet demantoid màu lục tạo thành các lá.  Hình của Robert Weldon.

 

 

Hình 13: Nước Columbia nổi tiếng vì có nhiều mỏ emerald đẹp nhất thế giới. Các mỏ như Muzo, Chivor, Gachalá và Cosecuez là những tên nổi tiếng. Ba tinh thể emerald trong bộ sưu tập là từ mỏ Cosecuez; mẫu thứ tư ở Burmado thuộc bang Bahia, Bazin và một viên khác không bết nguồn gốc. Hình của Robert Weldon.

 

Các Kiểu Cắt Mài Đá Quý Độc Đáo Năm 2007

Hàng năm tạp chí Colored Stones and Lapidary Journal (Đá Màu và Thuật Mài Ngọc) tổ chức cuộc thi Gemmys để chọn những viên đá quý được chế tác đẹp nhất và sáng tạo nhất. Cuộc thi năm 2007, các nghệ nhân gởi đến dự thi 5 thể loại: Đá quý mài giác, Đá quý mài cabochon, Đá quý cắt mài đặc biệt, Vật chế tác từ đá quý và Vật liệu quý nhân tạo. Ban giám khảo có 3 người, gồm một nhà thiết kế kim hoàn, một nghệ nhân đá quý, một phóng viên về đá quý và cũng là nhiếp ảnh gia của GIA. Các giải thưởng được trình bày như sau (11 hình bên dưới đều của tạp chí Colored Stones and Lapidary Journal):

1 - Hạng nhất thể loại Vật chế tác từ đá quý: Tác phẩm Thiên Thần Đổ Nước Vào Rượu của Howard Friedler.

Tác giả muốn chạm trổ một cái gì đó quá phức tạp mà người khác khó làm được. Bức chạm này thực hiện trên một tinh thể đá topaz 2 màu nặng 1719 ct, xuất xứ Ukraine, cùng với một viên ametrine gốc Bolivia đặt trong cốc rượu và một đế màu đen bằng đá cẩm thạch vùng Yukon nặng 950 ct.

Sau khi xem xét, tác giả chẻ đá song song với phương cát khai của tinh thể và tách viên đá thành 6 mảnh dẹp. Tác giả phải cắt mài các mảnh và chạm trổ các hình thiên thần, cốc rượu, ly nước và dòng nước đều trên từng mảnh riêng biệt, rồi phải ráp chúng lại xem có khớp hay không. Tác giả phải thao tác trên chúng thật nhiều lần. Tác giả rất vui khi gắn được viên ametrine có màu giống rượu nằm vừa trong cốc rượu. Nhìn tác phẩm hoàn tất, ta khó phát hiện được là nó đã được ghép từ 6 mảnh đá lại với nhau và nếu nhìn với những góc khác nhau sẽ thấy hình ảnh nổi thay đổi theo.

2 - Hạng nhì thể loại Vật chế tác từ đá quý: Tác phẩm Con Ong Ghép của Darryl Alexander. Các giám khảo rất có ấn tượng từ tác phẩm này, đó là một sinh vật đầu voi mình và cánh là ong. Alexander là một nhà thiết kế nữ trang và chạm ngọc nổi tiếng.

Tác giả lấy nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình là từ một loài ong phổ biến ở bang Arizona, nó hy sinh cả đời để xây dựng bầy đàn. Tác giả chọn hình dạng tự nhiên của con ong và con voi, tác giả ghép lại để tạo một sinh vật thật sự lạ lùng.

  Đầu sinh vật là đầu của một con voi có vòi dài và cặp mắt được đánh bóng cao, được chạm từ một mảnh cẩm thạch đen bang Arizona, thể hiện được cả lông của con vật. Thân mình chạm từ đá chrysoprase màu lục. Đôi cánh từ đá thạch anh trắng có rutin. Phần đuôi chạm từ cẩm thạch đen có ghép với opal để tạo thêm chút màu sắc lạ lùng. Đế làm từ đồng và agate màu vàng, với 3 “hạt đậu” làm từ ngà voi hóa thạch. Con vật ghép này dài khoảng 7,5 cm, nặng 135 ct, có các viền gắn kim cương tấm. Các bộ phận của vật được ngàm vào nhau chắc chắn. Công việc khá phức tạp, tốn nhiều công sức và vật liệu.

 

 

3 - Hạng nhất thể loại Đá quý mài giác: Tác phẩm Bông Tuyết Sáu Tia Lấp Lánh của Richard Homer.

Tác giả là người đi tiên phong cắt mài mặt cong từ năm 1980, nhưng lần này tác giả dự thi với một thiết kế hình bông tuyết có giác phẳng. Với thiết kế độc đáo, tác phẩm đã lừa được trực giác của người xem, đó là nhìn thấy các mặt giác bị cong.

Tác phẩm là một viên topaz không màu nặng 15,22 ct gốc ở Brazin, được cắt mài bóng theo kiểu giác phẳng và làm nhám một chút trên các giác này để tạo nên hình bông tuyết sáu cánh. Tuyết thì không màu, do đó chọn đá topaz để giả bông tuyết là hợp lý. Viên đá quý này có một tập hợp các mặt giác trên và giác đáy, phần đánh bóng và phần nhám phối hợp hoàn hảo. Các mặt giác phần trên phản chiếu xuống mặt đáy, cùng với các giác đáy phản chiếu trở lại làm người xem thấy rõ hình bông tuyết. Nhất là khi lắc viên đá qua lại, bông tuyết lấp lánh như đang rơi làm mê hoặc người xem.

4 - Hạng nhì thể loại Đá quý mài giác: Tác phẩm Kiểu Cắt Emerald Barion của Dalan Hargrave. Tác giả đã mua được một viên aquamarine 102 ct, cắt mài rất xấu vì trống đáy và độ chiếu sáng rất thấp. Chính nhờ viên đá này và tài năng của mình mà tác giả đã nhận được một giải thưởng xứng đáng.

Tác giả đã thiết kế lại cách mài viên đá làm sao để tăng độ chiếu sáng, bằng cách tạo các mặt giác ở những góc nghiêng đặc biệt để tăng cường được lượng ánh sáng trở ra mắt người xem. Tác giả đã chọn kỹ thuật cắt giác phẳng, dẹt, tỏa ra để sửa lại viên đá này. Thách thức lớn nhất là làm sao viên đá ít giảm trọng lượng nhất mà lại tăng cường được lượng ánh sáng quay về. Thật là diệu kỳ, nhờ viên đá rất trong và với những mặt giác mới, có đến 86% lượng ánh sáng phản chiếu trở lại, viên đá đã không còn trống đáy và hết sức long lanh.

 

 

  5 - Hạng nhì thể loại Đá quý mài giác: Tác phẩm Cảm Nhận Sắc Màu của Phill Mason. Tác giả là một nhà kinh doanh, thiết kế và chế tác nữ trang. Ông cũng là người say mê sưu tập và mài đá quý theo thiết kế riêng của mình.

Viên đá đoạt giải là viên opal mài giác 4,76 ct, hình ovan giống trứng đà điểu. Thoạt nhìn, viên đá có vẻ đơn giản, tuy nhiên khi quan sát kỹ thấy nó được mài rất tỉ mỉ và công phu. Bao lấy toàn bộ viên đá là 352 mặt giác hình tam giác xếp trên 22 dãy và chúng phát ra màu tán sắc của đỏ, lục, lam và tím.

Đá opal khó mài vì mềm nên hầu hết thợ đều phải mài theo kiểu cabonchon, vì nếu mài kiểu khác nếu không khéo sẽ dễ bị mất trọng lượng và mất luôn lớp tạo màu. Vượt qua những thói quen, tác giả chọn kiểu mài nhiều giác phẳng cho viên đá này, việc phân bố và mài các mặt giác làm sao cho cân đối theo các dãy và giữ được màu sắc đẹp của đá gốc là một việc làm hết sức khó khăn và đầy sáng tạo.

6 - Hạng nhất thể loại Đá quý cắt mài đặc biệt: Tác phẩm Jutta của Tom Munsteiner.

 

  Tác phẩm này được đặt theo tên của người vợ tác giả. Đây là một viên đá aquamarine 144,8 ct màu xanh lục – lam tự nhiên, nguồn gốc ở Minas Gerais, Brazin, được mài theo dạng khối gần vuông 30 x 30 x 32 mm. Tác giả sử dụng kỹ thuật cắt độc quyền đã được đăng ký, gọi là “Kỹ thuật Cắt mài Munsteiner”. Ta có cảm giác có một dãy bọt lớn bên trong viên đá, đó là những mặt cắt cong nằm bên trong viên đá, điều đó khó hình dung nổi tại sao tác giả lại làm được như thế.

 

7 - Hạng nhì thể loại Đá quý cắt mài đặc biệt: Tác phẩm Kiểu Cắt ZigZag của tác giả John Dyer. Tác giả này mới 28 tuổi, nếu so với những tác giả khác thì anh còn rất trẻ.

Tác phẩm Kiểu cắt ZigZag là một viên đá tourmaline màu lục xuất xứ Afghanistan, nặng 10,36 ct và dài 23 mm. Nó được cắt mài phối hợp theo hai kiểu giác phẳng và những rãnh hình chữ Z đã đăng ký tác quyền. Viên tourmaline màu lục được tác giả chọn để cắt mài rất trong, đây là viên đá hiếm vì phần lớn tourmaline đều nhiều tạp chất. Phần trên và hông là những mặt giác phẳng. Để tạo cho viên đá sự long lanh và độ chiếu, tác giả đã mài ở phần đáy thành những rãnh chữ Z. 

 

8 - Hạng nhì thể loại Đá quý cắt mài đặc biệt: Tác phẩm Vườn Sao của Matt Casteen.

Tác phẩm này là sự ghép nối tài tình của 3 viên citrine và 1 viên amethyst. Việc chọn lựa màu sắc và kích thước của các viên đá đã thể hiện sự tinh tế, còn việc mài từng viên và ghép nối chúng lại còn tinh tế hơn nhiều. Mỗi viên đá đã bao gồm các kiểu mài phẳng và mài lồi. Chúng được kết nối với nhau bằng ngàm âm dương và dán bằng keo. Tất cả nặng 64,2 ct và dài 52 mm. Tên gọi của tác phẩm theo sở thích của người mẹ “Vườn hoa”, người anh thì thấy chúng giống chòm sao nên đổi tên thành “Vườn Sao”.  

 

9 - Hạng nhất thể loại Đá quý mài cabochon: Tác phẩm Tưởng Tượng của Tom Munsteiner.

Tác giả đã đạt được một giải cao quý ở một thể loại khác trong cuộc thi này. Tác phẩm là một viên tourmaline 34,25ct, màu xanh lục tự nhiên và rất trong, là một hình khối gần tròn 21 x 23 mm, xuất xứ Mozambique. Đây là sự kết hợp xuất sắc giữa kiểu mài cabochon và các giác phẳng phản chiếu, tạo nên một dải các hình tam giác gấp nếp nằm trong một nền trong suốt màu lục, gây cảm giác lung linh, hư ảo. Tác phẩm làm cho người xem thấy có vẻ thật đơn giản, nhưng có gì đó sâu thẳm trong tâm hồn.

 

10 - Hạng nhì thể loại Đá quý mài cabochon: Tác phẩm Đối Xứng của Dalan Hargrave.

 

  Tác giả cũng đã đoạt một giải nhì ở thể loại khác trong cuộc thi này. Công lớn ban đầu là tác giả khéo lựa được một viên ametrine gốc Bolivia, có tính đối xứng tự nhiên rất cao. Viên đá thành phẩm 37 ct, mài theo dạng ovan cabochon, kích thước 19 x 22 mm. Kiểu mài ở viên đá này khá đơn giản, tuy nhiên tác giả chọn lựa đúng cấu trúc đối xứng, khi mài giữ đuợc cấu trúc này. Tác phẩm hiện lên được sự phân bố hài hòa của các cánh màu tím và cam, nhìn giống như một đóa hoa nhị sắc, chứng tỏ sự kỳ diệu của thiên nhiên.

 


11 - Hạng nhất thể loại Vật chế tác từ đá quý: Tác phẩm Đức Phật của Rick Stinson.

Tác giả không theo đạo Phật, do đó để thực hiện cho đúng Đức Phật, tác giả phải tìm hiểu các biểu tượng về Phật giáo Tây Tạng. Tác giả chọn viên đá thô ruby nhân tạo Czochralski 110 ct để chạm khắc mà không chọn ruby tự nhiên vì khó kiếm một viên vừa to vừa trong, nếu có thì giá thành sẽ rất cao.

Tượng thành phẩm nặng 41,36 ct, kích thước 14.73 x 24.12 x 11.87 mm. Màu đỏ tượng trưng màu của Đức Phật. Phần phía trên đầu, chạm dạng lông con công là biểu trưng vật nuôi của Đức Phật, có gắn kim cương để hiển thị vầng hào quang. Hai tay ngài đỡ một bát cúng dường, một đế ngồi dạng hoa sen và đôi hoa tai theo hình cá vàng. Phần phía sau lưng là một vành lửa và ba quả cầu tượng trưng cho 3 hạt ngọc của Đức Phật. Bên hông tòa sen chạm kiểu dây thừng. Tất cả những chi tiết trên đều là những biểu tượng mang ý nghĩa tôn giáo liên quan Đức Phật Tây Tạng.

Nhiều chi tiết của tượng mang tính tôn giáo và độ cứng cao của đá đã làm cho tác giả phải tốn nhiều công sức chạm khắc và đánh bóng để thể hiện được một tượng Đức Phật sống động, nhờ đó tác giả đã đạt được một giải thưởng thật xứng đáng.  

Các tin khác