Bản tin tháng 03/2016

Ngọc Trai Dán Ghép Lấp Đầy Bên Trong Là Dây Kim Loại

Hình 1: Trong viên ngọc trai hình dạng méo mó, nặng 10,97 ct này, có thể thấy rõ một đường vòng đáng nghi ngờ trên bề mặt bao quanh viên ngọc. Ảnh của Nuttapol Kitdee.

Sự hào hứng khi trở thành người đầu tiên quan sát đặc điểm bên trong viên ngọc trai luôn là điều quan trọng nhất trong tâm trí người giám định khi thực hiện các kiểm tra vi mô trên mẫu vật mới được gửi đến. Đặc biệt, ngọc trai với hình dạng méo mó luôn có xác suất tiết lộ điều gì đó bất thường cao hơn những hình dạng khác (xem Fall 2013 G&G Lab Notes, trang 172 – 173), vì chúng thường chứa các lỗ rỗng bên trong lý tưởng để lấp đầy nếu bị tổn thương hoặc khoan quá mức.

Hình 2: Khu vực giữa hai phần được dán ghép lại để tạo thành một viên ngọc trai cho thấy các chỗ bị hư hỏng màu kem nơi chất liên kết tiếp giáp các phần ngọc trai (trái) và các tạp chất màu đen rất nhỏ có bản chất không xác định bị mắc kẹt trong chất kết dính này (trái và phải). Ảnh chụp dưới kính của Nick Sturman; phóng đại 70 lần.

Một viên ngọc trai hình dạng méo mó, màu vàng nhạt và màu kem (hình 1), nặng 10,97 ct và có kích thước 12,74 × 11,60 × 11,14 mm, gần đây đã được gửi cùng với bảy viên ngọc trai khác đến phòng giám định GIA ở Bangkok với yêu cầu cấp giấy chứng nhận chất lượng của GIA, giấy này cung cấp bằng chứng bản chất mẫu vật để phân loại nhanh hàng hóa. Trước khi chụp ảnh phóng xạ dưới kính hiển vi, viên ngọc trai ngay lập tức lộ diện điều nghi ngờ vì nó được khoanh tròn bởi một đường ranh có thể nhìn thấy bằng mắt cho thấy một số “công việc” gì đó có thể đã được thực hiện. Điều này được xác nhận bằng cách kiểm tra với kính loupe cầm tay và kính hiển vi, cho thấy một chất liên kết trong suốt, bóng láng. Các tạp chất nhỏ màu đen chưa xác định được bản chất đã có mặt trong tác nhân liên kết này (hình 2). Kiểu “công việc” được thực hiện trên viên ngọc trai đã được xác nhận ngay lập tức bằng hình ảnh chụp phóng xạ dưới kính hiển vi (hình 3). Nhìn vào hình ảnh chụp phóng xạ dưới kính hiển vi, rõ ràng là hai cuộn dây đã được đặt vào khoảng trống giữa hai mảnh ngọc trai rỗng ruột nhằm lấp đầy lỗ rỗng.

Hình 3: Cấu trúc bên trong cho thấy hai đoạn dây cuộn rất rõ ràng (kim loại thì chắn tia bức xạ) trong các khoảng trống có đường viền không khớp nhau. Các đường viền không khớp đã giúp chứng minh rằng hai mảnh riêng biệt đã được kết hợp để tạo thành một viên ngọc mới. Ảnh của Nanthaporn Somsa-ard.

Đây không phải là lần đầu tiên bắt gặp dây kim loại trong ngọc trai (xem K. Scarratt, “Notes from the Laboratory,” Journal of Gemmology, Vol. 20, 1986, trang 95), nhưng dường như đây là lần đầu tiên hai nửa mảnh rỗng khác nhau đã được dán ghép lại với nhau bên trong lấp đầy bởi một đoạn dây ở mỗi mảnh. Mặc dù có chút nghi ngờ rằng mẫu vật này được chế tạo để tăng trọng lượng của nó và tạo ra một viên ngọc trai duy nhất, nhưng sự thay đổi nghiêm trọng là chúng loại bỏ cấu trúc quan trọng bên trong, khiến các thành phần khó xác định. Hai mảnh ngọc này có thể là ngọc trai tự nhiên có các lỗ rỗng bên trong, ngọc trai nuôi cấy nhân hạt với các khoảng trống xung quanh nhân hạt (như thường thấy), ngọc trai nuôi cấy không nhân hạt hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của chúng. Do đó, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng, nó là “ngọc trai” và nên được mô tả là loại không xác định được bản chất nhưng có sự lấp đầy bởi đoạn dây kim loại.

(Theo Nanthaporn Somsa-ard và Areeya Manustrong, phần Lab Notes quyển G&G Spring 2014)

 

Đá Tanzanite Phủ Titannium

Hình 4: Năm mẫu đá tanzanite này (0,39 – 0,82 ct) được chứng minh là bị phủ màu bằng titanium. Ảnh của Don Mengason.

Năm viên đá mài giác, màu xanh, nặng từ 0,39 đến 0,82 ct (hình 4), gần đây đã được gửi đến phòng giám định GIA ở Carlsbad để kiểm định và chứng nhận. Các kiểm tra ngọc học cơ bản ghi nhận chỉ số chiết suất là 1,689 – 1,700 cho cả năm mẫu. Khi quan sát bằng ánh sáng phân cực, mỗi viên đều cho thấy có đa sắc trung bình. Tỉ trọng, được đo bằng phương pháp thủy tĩnh, là 3,37. Những đặc điểm này phù hợp với tanzanite.

Hình 5: Phần trên của một giác đáy, được kiểm tra dưới ánh sáng phản chiếu, cho thấy ánh cao hơn nhiều so với phần dưới, không bị phủ màu. Ảnh của Nathan Renfro; trường quan sát 1,22 mm.

Kiểm tra bằng kính hiển vi cho thấy các viên đá này tương đối không có bao thể, nhưng cho thấy các khu vực bị mài mòn, tưa dập dọc theo các cạnh giao mặt giác ở phần đáy. Quan sát bằng cách sử dụng ánh sáng phản chiếu, phần đáy của mỗi viên đá cho thấy ánh đá cao hơn đáng kể so với ánh ở phần trên. Một số mặt giác cá biệt thậm chí còn cho thấy có sự thay đổi ánh đá trong cùng một giác do lớp phủ màu phân bố không đều (hình 5). Khi các mẫu được kiểm tra bằng ánh sáng truyền qua khuếch tán, các cạnh giao mặt giác và một số điểm bị ngấn mẻ có vẻ ít bão hòa hơn, đặc điểm này cũng phù hợp với lớp phủ màu (hình 6).

Bởi vì tanzanite với lớp phủ cobalt đã được ghi nhận và báo cáo trước đây (S. F. McClure và A. H. Shen, “Coated tanzanite”, Summer 2008 G&G, trang 142 – 147), nên tất cả các viên tanzanite gửi đến phòng giám định đều được kiểm tra thường xuyên với phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) và kiểm tra dưới kính hiển vi. Năm viên đá này cũng đã được kiểm tra bằng EDXRF, nhưng không phát hiện ra cobalt; tuy nhiên, cả năm đều cho thấy dấu hiệu đáng kể đối với titanium trên các giác đáy của chúng. Không có titanium được phát hiện ở phần trên. Phổ khối – plasma cảm ứng kép – bắn laser (LA–ICP–MS) cũng được sử dụng để xác nhận rằng khu vực phủ màu có chứa một lượng đáng kể titanium.

Hình 6: Lớp phủ trên phần đáy viên tanzanite này đã bị mòn dọc theo các cạnh giao mặt giác và ở một số khu vực bị ngấn mẻ nhỏ, cho thấy bên dưới là màu tím ít bão hòa của tanzanite. Ảnh của Nathan Renfro; trường quan sát 2,90 mm.

Mặc dù các lớp phủ tăng cường màu sắc trên tanzanite thỉnh thoảng được nhìn thấy tại phòng giám định GIA, nhưng đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu kiểm tra thấy tanzanite được phủ màu bằng titanium.

(Theo Amy Cooper và Nathan Renfro, phần Lab Notes quyển Spring 2014)

 

Tuyệt Tác Nghệ Thuật Chế Tác Đá Quý Trên Đá Sunstone,

Thạch Anh Tóc và Beryl – Tucson 2014

Hình 7: Tượng chạm khắc bằng đá morganite bên trái được lấy cảm hứng từ những chiếc đồng hồ lơ lửng trong bức tranh nổi tiếng của Salvador Dali, “The Persistence of Memory”. Các chạm khắc hình học bên phải trông đơn giản khi đá được nhìn từ phía sau nhưng tạo ra một loạt các phản xạ sáng và sáng chói lập thể khi nhìn từ trên cao. Ảnh của Eric Welch; sản phẩm thuộc sở hữu của Sonja Kreis.

Tại triển lãm GJX, Sonja Kreis (Trang sức độc đáo, Niederworresbach, Đức) đã trưng bày các mẫu đá đặc biệt về nghệ thuật trang sức kim cương và đá quý được chạm khắc. Kreis thiết kế đồ trang sức và Alexander, con trai của cô, là thợ cắt mài đá quý.

Hình 8: Những viên đá sunstone Oregon trong mặt dây chuyền và chiếc nhẫn được cắt theo kiểu độc đáo, hiển thị màu đỏ đậm và các sọc schiller sặc sỡ, được cắt từ cùng một mảnh đá thô. Ảnh của Eric Welch; sản phẩm thuộc sở hữu của Sonja Kreis.

Alexander Kreis giải thích rằng gia đình họ có truyền thống hơn 500 năm chế tác trang sức và cắt mài đá quý. Anh học việc như một thợ cắt đá quý truyền thống, nhưng lại chọn tìm ra con đường của riêng mình để phô bày được vẻ đẹp của các tinh thể đá quý đẹp. Tác phẩm cắt mài của anh ấy là sự pha trộn ngoạn mục của các đường cong tự do và các đường cắt hình học ấn tượng. Alexander làm việc với nhiều chất liệu, bao gồm tourmaline và beryl (hình 7), nhưng đá sunstone Oregon (hình 8) và thạch anh tóc (hình 9) cũng là một trong những chất liệu yêu thích của anh. Viên đá sunstone Oregon sặc sỡ được trưng bày tại gian hàng của gia đình anh. Cha của Alexander, ông Stefan Kreis, đã mô tả các tiêu chí rất nghiêm ngặt của họ để chọn lựa đá thô. Trong chuyến viếng thăm một nhóm mỏ ở lưu vực Rabbit thuộc vùng Oregon, họ đã chọn mua được 395 gram đá thô từ lô hàng 50 kg được giới thiệu; một mẫu đá thô như vậy cũng được giới thiệu trong hình 8.

Hình 9: Trái: Alexander Kreis giới thiệu tác phẩm độc đáo của anh: viên thạch anh tóc có hình dạng ngôi sao. Phải: Thạch anh Brazil mài giác, kích thước khủng, nặng 438,78 ct với các bao thể rutile là những tác phẩm của nghệ nhân Kreis. Theo Kreis, sự định hướng của các bao thể hình kim là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong thiết kế chế tác đá quý. Ảnh của Eric Welch (trái) và Robert Weldon (phải); sản phẩm thuộc sở hữu của Sonja Kreis.

(Theo Duncan Pay, phần Gem News International quyển Spring 2014)

 

Chrysoprase Úc Tuyệt Đẹp Dạng Đá Thô Và Chạm Khắc – Tucson 2014

Hình 10: Mary Lou Osmond giới thiệu màu sắc phong phú, rực rỡ của đá chrysoprase Marlborough, đó là do nồng độ nikel cao. Ảnh của Eric Welch.

Mary Lou Osmond (Candala Chrysoprase, Marlborough, Australia) đã giải thích về bản chất và hoạt động khai thác mỏ chrysoprase chalcedony của công ty. Để đến được khu vực mỏ đá phải bay đến thị trấn Rockhampton, 635 km (394 dặm) về phía Bắc Brisbane, tiếp theo là hai giờ lái xe. Khu vực này, được bảo vệ với những con chó và hàng rào bảo vệ, liền kề với một mỏ thuộc sở hữu của Trung Quốc, hoạt động khác duy nhất trong khu vực.

Chrysoprase vùng này có màu lục đậm đẹp, độ trong mờ cao (hình 10) được khai thác từ các mạch có độ dày từ hai đến tám inch. Osmond cho biết màu lục sáng của vật liệu từ mỏ này là do hàm lượng nikel cao, được ghi nhận lên tới 2,35%.

Osmond giải thích rằng hầu hết các nguyên liệu được tìm thấy sau những trận mưa lớn, khi các thay đổi địa hình khai thác được thuận lợi. Di chuyển của nước từ những cơn bão dữ dội có thể mang những tảng đá có kích thước to cỡ chiếc ô tô từ trên những ngọn đồi và tích tụ chúng ở những con suối lân cận cách xa hàng km. Các trận mưa như trút nước làm lộ ra mọi thứ, thậm chí cả những khối đá quý mà các thợ mỏ đã đi bộ ngang qua trong nhiều năm nhưng vẫn không nhận thấy trước đây. Sau mỗi cơn mưa, nó quét sạch bùn đất để lộ ra mặt đất mới và những tia sáng màu lục được nhìn thấy, trong trường hợp có một mạch lớn hơn bên dưới.

Nguyên liệu đá quý khai thác được đưa trở lại trại khai thác để rửa. Các bể chứa nước thu gom lượng nước mưa và những thợ mỏ sử dụng vòi nước áp lực cao để rửa trôi đá chrysoprase thô, sau đó được nhặt ra bằng tay. Nguồn nguyên liệu khoáng vật đá quý tốt nhất, được đánh dấu là “cao cấp”, được gửi đến Sydney để bán, trong khi phần còn lại được phân loại thành bốn cấp bậc theo màu sắc và độ sạch (từ A đến D). Tại hội chợ đá quý Tucson, Osmond mang đến hơn 80 kg đá thô, trong đó 10 kg là chất lượng cao.

Hầu hết khách hàng bị hấp dẫn với vật liệu chất lượng hàng đầu, tất cả đều được bán, cùng với hơn một nửa vật liệu cấp A. Mặc dù nhiều khách hàng đã mua nhiều tượng chạm khắc (hình 11), nhưng Osmond vô cùng ngạc nhiên khi thấy họ cũng đã mua số lượng lớn hàng hóa dạng đá thô. Nhiều người cũng tìm kiếm đá thô chất lượng hàng đầu để cắt mài dạng cabochon, thay vì dùng để chạm khắc, cho thấy nhận thức và nhu cầu về đá quý ngày càng tăng.

Hình 11: Những tượng chạm khắc đá chrysoprase này là từ mỏ Candala thuộc Queensland. Ảnh của Eric Welch.

Khách hàng chủ lực của Candala đến từ Ấn Độ, Đức, Mỹ và Thái Lan. Tại triển lãm Tucson năm nay, hầu hết các tác phẩm chạm khắc bằng đá chrysoprase đã được bán hết cho các nhà sưu tập, cũng như một vài kênh mua sắm trên truyền hình. (Theo Duncan Pay, phần Gem News International quyển G&G Spring 2014)

 

Corundum, Paraíba Tourmaline Và Alexandrite Tuyệt Đẹp – Tucson 2014

Hình 12: Viên đá alexandrite ấn tượng với trọng lượng 112,82 ct từ Sri Lanka, được quan sát dưới đèn sợi đốt nóng (trái) và ánh sáng huỳnh quang (phải). Ảnh của Robert Weldon; sản phẩm thuộc sở hữu của B&B Fine Gems.

Tại triển lãm AGTA, Dave Bindra (B&B Fine Gems, Los Angeles) đã cho trưng bày một viên alexandrite mài giác, đặc biệt lớn được báo cáo là có nguồn gốc từ Sri Lanka (hình 12). Theo Bindra, rất khó tìm thấy các mẫu đá đẹp mà có trọng lượng trên 5 ct, mặc dù Sri Lanka và Madagascar được biết là nơi khai thác được các tinh thể alexandrite có kích thước lớn. Với hơn 100 ct, đây chắc chắn là một trong những viên lớn nhất được nhìn thấy. Bindra suy đoán rằng tinh thể ban đầu có thể đã có trọng lượng hơn 300 ct.

Hình 13 Viên sapphire màu xanh hoàng gia, cắt kiểu giác tầng emerald, nặng 33,16 ct này có nguồn gốc từ Sri Lanka. Ảnh của Robert Weldon; sản phẩm thuộc sở hữu của B & B Fine Gems.

Cũng tại Triển lãm Đá quý Tucson 2014 có trưng bày một viên sapphire Sri Lanka, cắt kiểu giác tầng emerald có trọng lượng trên 33 ct (hình 13). Bindra cho biết rằng trong tình trạng khan hiếm corudum chất lượng cao thì việc cung cấp sapphire đẹp hiện tại thì mạnh hơn nguồn ruby đẹp. So với ruby có giá tương đương, sapphire đẹp sẽ có kích cỡ lớn và chất lượng hơn; tuy nhiên giá của sapphire đã tăng đáng kể trong hai năm qua. Điều này là do nguồn cung bị hạn chế và nhu cầu ngày càng tăng khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho hàng hóa cao cấp. Chỉ ba đến năm năm trước, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng mạnh nhất là dòng sản phẩm tầm chất lượng thương mại đến trung bình. Hiện nay, người Trung Quốc đang tiêu thụ các mặt hàng tốt hơn, những sản phẩm chỉ được tìm kiếm ở Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản. Do đó, các thương nhân và người tiêu dùng Mỹ phải cạnh tranh với thị trường này. Theo lời của Bindra thì điều này tạo ra một “động lực rất thú vị”.

Hình 14: Những viên ruby đẹp xuất sắc thì khan hiếm và đắt đỏ tại Hội chợ Đá quý Tucson 2014. Theo các thương nhân thì viên ruby Mozambique 9,10 ct này chỉ trải qua quá trình xử lý nhiệt ở nhiệt độ thấp. Ảnh của Robert Weldon; sản phẩm thuộc sở hữu của B&B Fine Gems.

Ngoài ra tại gian hàng của B&B còn có một viên ruby Mozambique tuyệt đẹp, nặng 9 ct (hình 14), một trong những viên ruby đẹp nhất mà Bindra được nhìn thấy từ nguồn mỏ ở Mozambique. Ông giải thích rằng ruby Mozambique rất được ưa chuộng vì chúng có dạng tinh thể lớn, màu sắc đậm; sau khi cắt, chúng thường là những sản phẩm sạch (hầu như không thấy tạp chất, bao thể) và hấp dẫn. Chúng rất dễ tiêu thụ vì khách hàng dễ dàng đánh giá cao vẻ đẹp của chúng. Bindra nói rằng các tinh thể ruby Mozambique có thể hơi dẹp, làm hạn chế chiều dày đáy của đá thành phẩm. Thật khó để tìm thấy một mảnh đá thô nặng trên 4 – 5 ct với màu sắc phù hợp để cắt mài được một viên đá quý sạch; điều này làm cho viên ruby nặng đến 9 ct này càng hiếm gặp hơn. Một viên đá quý có chất lượng cao như thế này có thể được bán với giá 50.000 USD mỗi carat hoặc cao hơn thế nữa.

Bên cạnh đó, ruby Burma ngày càng khan hiếm đối với các thương nhân trong nước do lệnh cấm vận của Mỹ đối với Myanmar. Việc kinh doanh đá chỉ giới hạn ở các loại đá quý có trước lệnh cấm và đã được lưu hành tại Mỹ.

Hình 15: Dave Bindra khoe một viên tourmaline Paraíba Brazil hình oval tuyệt đẹp với kích cỡ khủng, nặng đến 14,5 ct. Loại đá có chất lượng quý này mà nặng trên 1 ct là cực kỳ hiếm, làm cho viên đá này trở nên hiếm thấy. Ảnh của Eric Welch (trái) và Robert Weldon (phải); sản phẩm thuộc sở hữu của B&B Fine Gems.

Cuối cùng, Bindra giới thiệu những gì ông mô tả là “ngô sao” của những hàng hóa đặc biệt mà ông mang đến hội chợ: một viên tourmaline Paraíba Brazil, nặng 14,59 ct, được cho rằng  không bị xử lý nhiệt (hình 15). Ông đã may mắn có được viên đá này trong một dịp đi mua đá ở Brazil. Chủ sở hữu trước đó đã mua nó cách đây nhiều năm khi nguồn mỏ này mới bắt đầu khai thác. Bindra khẳng định tầm quan trọng của thị trường đá quý thứ cấp, điều đã trở nên quan trọng đối với các thương nhân vì có quá ít nguyên liệu đến từ các mỏ đá quý. Với rất nhiều sự cạnh tranh tại nguồn mỏ — đặc biệt là khi một mỏ, chẳng hạn như mỏ ở Paraíba, được cho là đã cạn kiệt — các thương nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm mua đá từ thị trường thứ cấp.

(Theo Duncan Pay, phần Gem News International quyển G&G Spring 2014)

Các tin khác