Bản tin tháng 08/2013

Pargasite Từ Tanzania

G. Scott Davies (American – Thai Trading, Bangkok) vừa tặng GIA 8 mẫu pargasite trong suốt màu nâu phớt vàng (hình 1). 5 viên đá thô có trọng lượng từ 0,3 đến 1,67 g và 3 mẫu mài giác cân nặng 1,23; 1,25 và 1,39 ct. Tất cả được cho là từ vùng Dodoma, miền trung Tanzania. Ông Davies nói rằng ông mua được 700 gram đá thô ở Bangkok từ cuối năm 2007, sau đó ông không gặp bất kỳ viên đá thô nào thuộc loại khoáng vật này nữa. Các viên đá mài giác từ khoáng vật này có màu nâu hơi phớt vàng vừa đến đậm và viên lớn nhất ông cắt mài chỉ nặng hơn 3 ct; cát khai hoàn hảo làm cho việc cắt mài các viên đá lớn hơn gặp rất nhiều khó khăn.

Hình 1: 5 mẫu pargasite thô và 3 mẫu pargasite mài giác này cân nặng từ 1,23 đến 8,36 ct. Quà tặng từ American-Thai Trading cho bộ sưu tập GIA, số hiệu 38317 – 38324. Ảnh chụp bởi G. Scott Davies.

Các mẫu đá thô và cắt mài được nghiên cứu tại phòng giám định GIA ở Bangkok. Tất cả các tinh thể đều có cát khai hoàn hảo theo một hướng song song với mặt lăng trụ. Ba viên có các mặt nứt trên 2 mặt bên song song và 2 viên khác có một mặt nứt và ở mặt song song đối diện có chứa họa tiết tự nhiên; một trong những mặt đó có các dấu vết dạng ăn mòn acid rõ ràng. Nghiên cứu ngọc học cơ bản các mẫu đá thô và mài giác thu được những đặc điểm sau: Màu sắc – nâu phớt cam đến nâu phớt vàng, với đa sắc rõ ràng (vàng phớt lục và nâu); chiết suất (từ các viên đá mài giác) – na = 1,628, nb = 1,633 và ng = 1,648; quang dấu – dương; độ lưỡng chiết – 0,020; tỉ trọng thủy tĩnh SG – 3,09 (với 2 mẫu đá thô thì SG là 3,07 và 3,08); phản ứng dưới kính lọc chelsea – không, phát quang – trơ dưới chiếu xạ UV sóng dài và vàng phấn vừa đến mạnh dưới UV sóng ngắn; không thấy đặc điểm phổ hấp thu dưới phổ kế cầm tay. Kiểm tra dưới kính hiển vi thấy nhiều ống bao thể hình dạng đẹp sắp xếp định hướng và các kim nhỏ nằm khắp các viên đá và nhiều mặt phẳng chứa bao thể lỏng (liên quan đến các khe nứt mới). Một số mẫu đá thô có các bao thể 2 pha dễ nhìn thấy chúng có chứa tinh thể kim loại nhưng chưa xác định được là loại gì. Ngoài trừ giá trị tỉ trọng ra thì những đặc điểm mô tả phía trên gần giống với những đặc điểm của khoáng pargasite từ Myanmar được giới thiệu trong quyển Fall 2004, phần GNI (trang 254 – 256). Tuy nhiên tỉ trọng này vẫn còn nằm trong giới hạn của pargasite, theo sách về khoáng vật học.

Pagarsite là một khoáng vật nằm trong nhóm amphibole và có công thức hóa học NaCa2[(Mg,Fe2+)4Al](Si6Al2)O22(OH)2. Phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) của những mẫu này phát hiện ra phần lớn thành phần là Si, Ca, Al, Mg và Fe được cho là có trong công thức của pargasite (Na thì không phát hiện ra bằng phương pháp này) và một ít Ti và K. Phân tích Raman cho thấy sự phù hợp với phổ của pargasite trong dữ liệu Raman của GIA. Theo chúng tôi biết đây là bài viết đầu tiên về pargasite chất lượng quý từ Tanzania.

(Theo Nick Sturman (nsturman@gia.edu), Phòng Giám Định GIA, Bangkok trong Gem News International, quyển G&G Spring 2011)

 

Đá Nhái Emerald Sáu Tia

Trapiche emerald, tạm dịch là emerald sáu tia, đây là loại emerald cực hiếm. Ở giữa viên đá có cấu trúc lục giác màu lục emerald, vùng bao quanh đới màu lục thì lại không màu. Từ tâm viên đá tỏa ra sáu tia chứa tạp chất màu đen, giống căm niền xe, nên được gọi là trapiche. Hai mẫu đá thú vị trông giống với emerald sáu tia này thuộc sở hữu của nhà buôn đá quý Farooq Hashmi (Intimate Gems, Jamaica, New York) đã gây được sự chú ý cho nhiều người. Chúng được cắt ra từ cùng một “tinh thể” rất giống với emerald sáu tia thiên nhiên. “Tinh thể” này được mua trong chuyến đi đến Colombia vào giữa năm 2010 từ một người bán đá, lúc đầu ông Hashmi cũng không biết rằng mình đang giữ viên đá nhái. Để biết rõ hơn về bản chất lắp ghép của sản phẩm này, ông đã cắt mài và đánh bóng thành từng miếng được thể hiện trong hình 2.

Hình 2: Hai mẫu “emerald sáu tia” (nặng 5,17 và 3,53 ct) thật sự là các miếng ghép tinh xảo. Chúng được cắt ra từ cùng một miếng đá thô bởi thợ mài đá Lain Murphy (Clifton, Colorado). Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Các mẫu cân nặng 5,17 và 3,53 ct và đường kính ~ 10 – 11 mm. Dưới độ phóng đại cho thấy có hợp chất sậm màu phân bố không đều trên bề mặt nguyên thủy của đá thô. Các miếng lắp ghép được nối với nhau bằng chất kết dính không màu ở một số chỗ và màu đen ở những chỗ khác để giả giống y cấu trúc sáu tia tự nhiên. Phổ Raman xác định các miếng ghép là beryl và hợp chất nối chúng lại với nhau là polymer. Phân tích Raman các bao thể trong beryl khẳng định có sự hiện diện của dolomite, calcite và pyrite. Lõi hình trụ của beryl có màu lục hơi đậm hơn nằm chính giữa miếng ghép. Tính liên tục của các bao thể khắp các miếng ghép (ngoại trừ phần lõi) cho thấy tinh thể gốc được khoan chính giữa và sao đó cắt thành 6 phần bằng nhau (hình 3).

Hình 3: Sự liên tục của các bao thể ngang qua các mặt riêng biệt trong miếng ghép beryl màu lục cho thấy tinh thể gốc được khoan chính giữa và sau đó cắt thành 6 phần bằng nhau. Ảnh chụp hiển vi bởi R. Befi; phóng đại 15 lần.

Một viên cabochon được cắt từ miếng ghép “sáu tia” giống như thế cũng đã được ghi nhận trong quyển Fall 1998, phần Lab Notes (trang 212).  Nó gồm một lõi sáng màu bao quanh bởi vành màu đen, từ đó các cánh màu đen kéo dài ra theo 6 hướng (để so sánh, xem E. J. Gubelin và J. I. Koivula, Photoatlas of Inclusions in Gemstones – Sách tài liệu bằng hình ảnh các bao thể trong đá quý, nhà xuất bản ABC, Zurich, 1986, trang 253). Mẫu hiện tại cho thấy các đá ghép như thế tiếp tục xuất hiện trên thị trường, thậm chí nhái khoáng dạng thô.

(Theo Riccardo Befi (rbefi@gia.edu), Phòng giám định GIA, New York trong Gem News International, quyển G&G Spring 2011)

 

Một Loại Đá Nhái Nephrite Mới Ở Dạng Thô

Hình 4: Khi đập vỡ ra, mẫu nephrite nhái này (kích thước 12 x 9 x 6 cm và nặng 3 kg) thấy có chứa các đĩa thép được bao quanh bởi vật liệu chính. Ảnh chụp bởi Y. Zhang.

 

Trong nền văn hóa 7000 năm của Trung Hoa, đá nephrite đã được sử dụng rất nhiều và phổ biến. Mặc dù, các đá nhái làm từ đá hoa và serpentine vẫn thường được thấy trên thị trường Trung Quốc nhưng vào đầu năm 2010, một loại đá mới làm giả nephrite, dạng thô đã xuất hiện. Khoáng này thật khó xác định bằng mắt thường và sự xuất hiện trên thị trường của nó tiếp tục tăng. Để mô tả đặc điểm của đá nhái này, nhóm nghiên cứu phải mua 2 mẫu (3 và 15 kg) từ một chợ ở Hetian (Vùng Xinjiang Uygur Autonomous – Khu vực tự trị Uygur Tân Cương) vào mùa hè năm 2010 và nghiên cứu đặc điểm ngọc học của chúng bằng kính hiển vi và các kỹ thuật quang phổ tại phòng thí nghiệm Trung Tâm Giám Định Đá Quý Quốc Gia ở Bắc Kinh.

Hình 5: Phổ hồng ngoại của nephrite nhái cho thấy có sự khác biệt rõ ràng với khoáng thiên nhiên và xác định được đó là do nhựa polyester thơm.

Khoáng này có màu trắng với các vùng màu nâu phớt cam phân bố không đều (hình 4). Ở một số chỗ có màu giống như do được phết lên bằng cọ vẽ, dấu vết nét vẽ có thể nhìn thấy.  Để nhái hình dạng của nephrite thiên nhiên, các lỗ hổng, vết lõm được đục, khắc vào một số chỗ trên bề mặt. Những lỗ này lớn hơn những lỗ thường thấy trên nephrite thiên nhiên và có ánh mờ hơn các khu vực xung quanh. Hơn nữa các vết sọc mài được nhìn thấy dưới kính phóng đại. Không giống như nephrite thiên nhiên có các vết nứt sâu, những mẫu này có ít vết nứt và chúng hiếm khi đi sâu vào bên trong. Nhóm nghiên cứu nhận thấy độ sâu màu như nhau ở bên trong và xung quanh các khe nứt, điều đó cũng là điều bất thường đối với khoáng thiên nhiên. Độ cứng rất thấp (xấp xỉ 2,5 theo thang Mohs) và khoáng này dễ dàng bị rạch khía bằng dao.

Nhóm nghiên cứu phá vỡ một phần của 2 miếng đá nhái để quan sát cấu trúc bên trong và cả hai đều cho thấy có thêm nguyên liệu khác từ bên ngoài vào để tăng độ nặng cho chúng. Một mẫu chứa các đĩa thép (xem lại hình 4) trong khi đó mẫu kia chứa các khoanh bêtông và đá. Mặc dù cả hai mẫu này có tỉ trọng thấp hơn nephrite nhưng độ nặng của chúng gần đủ để gây nhầm lẫn cho người mua. Tuy nhiên do thành phần bên trong khác nhau và không được giữ chặt bởi vật liệu xung quanh nên các chỗ khác nhau tạo ra âm thanh khác nhau khi gõ vào. Không ngạc nhiên khi mẫu đá nhái chứa các đĩa thép bị hút bởi nam châm, đây là cách xác định hữu dụng khi gặp trường hợp như thế này.

Phổ FTIR (phương pháp nén KBr) của các viên đá nhái khi dùng phổ kế hồng ngoại Nicolet 6700 cho ra rất nhiều kết quả khác với nephrite thiên nhiên: một chuỗi các dãy hấp thu ở 3620, 3526, 3467, 3395, 1728, 1632 và 1020 cm-1, đó là do liên quan đến nhựa polyester thơm (hình 5).

Vì giá của nephrite tăng và công nghệ sản xuất ngày càng tân tiến nên sản phẩm nhái như thế ngày càng thịnh hành trên thị trường đá quý.

(Theo Xiaoyan Feng (fengxy@ngtc.gov.cn), Yong Zhang, Maituohuti Abuduwayiti và Taijin Lu NGTC, Bắc Kinh trong Gem News International, quyển G&G Spring 2011)

 

Đá Nhái Ngọc Trai Không Xà Cừ Làm Thủ Công Tinh Xảo

Sự phổ biến hiện này của ngọc trai thiên nhiên không xà cừ làm cho nó được làm giả, nhái từ nhiều loại vật liệu khác nhau từ đá nhái, san hô chạm khắc, vỏ sò đến thủy tinh và nhựa. Ngọc trai màu trắng không xà cừ là loại bị nhái phổ biến nhất, vì vỏ của loài trai này có kích cỡ rất lớn (loài Tridacna ) đủ dày để tạo ra vật làm giả cỡ lớn. Những loại này thường dễ xác định do chúng có cấu trúc lớp khác biệt khi xem dưới ánh sáng dẫn truyền cường độ mạnh.

Hình 6: Mẫu vỏ ốc này (dài ~20,0 mm) được tạo tác cho có vẻ ngoài giống với ngọc trai thiên nhiên không xà cừ. Ảnh chụp bởi T. Hainschwang.

Gần đây nhóm nghiên cứu có nhận một lô hàng được giới thiệu là ngọc trai không xà cừ. Thoạt nhìn thì mẫu vật nặng 24,64 ct (hình 6) này trông giống viên ngọc trai màu trắng không xà cừ hình giọt nước với hoa văn trên bề mặt theo một số hướng có thể gây hiểu lầm với cấu trúc ngọn lửa. Một số viên ngọc trai thiên nhiên không xà cừ màu trắng có cấu trúc ngọn lửa kỳ lạ do đặc điểm sợi của nó. Tuy nhiên khi kiểm tra chi tiết, nhanh chóng thấy rằng có điều gì đó không ổn: “cấu trúc” gồm các đường khắc chạy dài từ trên xuống dưới. Khi xem dưới kính hiển vi, thấy rõ trên bề mặt là các đường sọc mài (hình 7, bên trái) và vẻ ngoài của mẫu vật có đôi chút giống với cấu trúc ngọn lửa thấy trong ngọc trai thiên nhiên không xà cừ (hình 7, bên phải).

Hình 7: Họa tiết chạm khắc và các đường đánh bóng trên bề mặt của ngọc trai nhái (bên trái) thì khác hẳn với cấu trúc ngọn lửa thường thấy trên ngọc trai thiên nhiên không xà cừ (bên phải). Ảnh chụp bởi T. Hainschwang.

Ánh sáng dẫn truyền mạnh cho thấy hệ thống chồng lớp song song bên trong định hướng theo hướng khác với hoa văn khắc (hình 8). Hệ thống chồng lớp này phù hợp với các lớp tăng trưởng, là đặc điểm của vỏ ốc và không hề thấy trong ngọc trai thiên nhiên. Một số ngọc trai không xà cừ có hệ thống chồng lớp khuếch tán yếu nhưng nó trông hơi khác với hệ thống chồng lớp trong vỏ ốc chạm khắc.

Hình 8: Với ánh sáng dẫn truyền cường độ mạnh, ngọc trai nhái cho thấy rõ hệ thống chồng lớp bên trong rất đặc trưng của vỏ ốc được chạm khắc. Ảnh chụp bởi T. Hainschwang.

Mẫu này được xác định là chất liệu đá vôi nguồn gốc biển nhờ thành phần hóa học của nó, thành phần gồm calcium (cộng với oxygen) với vi lượng strontium – Sr. Với kích cỡ ~20,0 x 16,5 x 16,3 mm, viên ngọc trai nhái này được phỏng đoán là được chạm khắc từ vỏ ốc Tridacna. Trường hợp thú vị này là một ví dụ khác đầy sáng tạo về loại ngọc trai nhái bằng cách sử dụng các vật liệu không đắt tiền.

(Theo Thomas Hainschwang (thomas.hainschwang@gemlab.net), Phòng kỹ thuật giám định đá quý GGTL, Geneva, Thụy Sĩ và Balzers, Liechtenstein)

 

Thạch Anh Phủ Nhựa Nhái Emerald

Có nhiều vật liệu từ thiên nhiên, nhân tạo đến xử lý có thể nhái emerald khá thuyết phục. Mới đây phòng giám định đá quý ở Jaipur nhận giám định một viên đá màu lục, hình giọt nước, nặng 73,58 ct, có lỗ khoan ở giữa, kích thước 34,10 x 23,14 x 15,68 mm (hình 9). Người sở hữu viên đá này chắc chắn nó là emerald có nguồn gốc từ Colombia.

Hình 9: Viên đá hình giọt nước, nặng 73,58 ct này được cho là emerald nhưng thực chất là thạch anh phủ nhựa. Ảnh chụp bởi G. Choudhary.

Dù có màu lục đặc trưng của emerald nhưng ánh của mẫu đá này mờ hơn làm cho các chuyên gia giám định có vài điều do dự. Lúc đầu, khi nghiên cứu bằng kính hiển vi, vì có sự xuất hiện của một số bao thể đủ để xác định đó là emerald thiên nhiên. Quan sát thấy có các bao thể 2 pha dài và các màng lỏng phản chiếu, bao thể đó thường không liên quan đến emerald Colombia. Hơn nữa các bọt khí (hình 10, bên trái) xuất hiện phần lớn ở bề mặt hoặc gần bề mặt của mẫu. Quan sát một lần nữa thật tỉ mỉ thì nhìn thấy một lớp phủ dày; tất cả các bọt khí bị giới hạn ở lớp này.

Hình 10: Các bọt khí phần lớn nằm ở bề mặt hay gần bề mặt của viên đá hình giọt nước được cho là từ lớp phủ (bên trái, phóng đại 60 lần). Làm bong tróc vài vùng phủ quanh lỗ khoan cho thấy thạch anh không màu bên dưới (bên phải, phóng đại 45 lần). Ảnh chụp hiển vi bởi G. Choudhary

Quan sát phần ngoài mép của lỗ khoan, thấy có các vùng không màu dưới lớp phủ dày màu lục (hình 10, bên phải). Các vùng như thế cũng hiện rõ trên các cạnh giác cắt, ở đó lớp phủ bị tróc từng mảng. Kiểm tra bằng phương pháp điểm nóng ở một vị trí khuất cho thấy có dấu hiệu của sự tan chảy. Có thể khẳng định đây là nhựa, điều đó cũng giải thích được ánh mờ của mẫu. Kiểm tra chỉ số chiết suất thấy một vạch lờ mờ quanh 1,54 và tỉ trọng SG là 2,60. Mẫu có phản ứng màu vàng phấn dưới chiếu xạ UV sóng dài và màu đỏ yếu dưới kính lọc Chelsea. Quan sát dưới phổ kế cầm tay, thấy có một dãy hấp thu mạnh trong vùng màu đỏ quanh 650 nm, một đặc điểm thường liên quan đến việc tẩm màu lục. Những đặc điểm này không khẳng định chính xác khoáng không màu là gì nhưng phổ hồng ngoại chứng minh nó là thạch anh (thạch anh pha lê). Phổ IR cũng cho thấy một dãy hấp thu ở 3060 – 2810 cm-1, điều đó liên quan đến polymer/nhựa, nhưng các dãy khác cũng có liên quan đến lớp phủ nhựa lại không thể quan sát được do có sự giao thoa với các vạch phổ khác.

Phòng giám định đã kết luận rằng mẫu này là thạch anh phủ nhựa. Nếu không thực hiện các kiểm tra ngọc học thì việc xác định chính xác sẽ có rất nhiều bàn cãi, đặc biệt đối với người kinh doanh hay người mua bán chỉ trang bị mỗi kính lúp.

(Theo Gagan Choudhary (gtl@gjepcindia.com), Phòng giám định đá quý, Jaipur, Ấn Độ trong G&G Spring 2011)

 

Ruby Sáu Tia Xử Lý Lấp Đầy Thủy Tinh Chì

Hình 11: Viên ruby sáu tia, nặng 30,37 ct này được cho là từ Mozambique được lấp đầy bằng thủy tinh chì. Ảnh chụp bởi O. Segura.

Từ năm 2004, việc xử lý corundum (đặc biệt là ruby) bằng phương pháp lấp đầy các khe nứt với thủy tinh chì đã trở nên phổ biến. Đã có nhiều cải tiến kể từ khi xuất hiện việc xử lý đầu tiên như các hợp chất thủy tinh không có “hiệu ứng lóe sáng” màu cam/xanh và các miền nguồn đá ở các vùng địa lý mới và sự đa dạng của khoáng lấp đầy (ruby mài giác từ mozambique và ruby sao từ Madagascar). Tuy nhiên mới đây có thông tin khác về một loại mới, đó là ruby sáu tia lấp đầy thủy tinh chì.

Tháng 8 năm 2010, nhóm nghiên cứu có mua được một viên đá dạng cabochon trong mờ, nặng 20,37 ct được giới thiệu là ruby sáu tia tại hội chợ đá quý Chanthaburi ở Thái Lan. Người bán cho biết viên đá có nguồn gốc từ Mozambique và được xử lý bằng thủy tinh chì. Theo chúng tôi biết, ruby sáu tia Mozambique thì hiếm gặp hơn và có kích cỡ lớn hơn những viên đá từ Mong Hsu, Myanmar. Mẫu này có hoa văn sáu tia cổ điển với sáu phần được chia rõ và các đới tăng trưởng sáu mặt thường thấy trong corundum cũng được thấy rõ (hình 11).

Các đặc điểm ngọc học là đặc trưng của ruby, với chiết suất 1,755 – 1,770, tỉ trọng thủy tĩnh ~ 3,95 và phổ ruby chuẩn đo bằng phổ kế cầm tay. Khoáng vật này phát quang đỏ mạnh dưới chiếu xạ UV sóng dài và trơ dưới chiếu xạ UV sóng ngắn.

Hình 12: Chiếu sáng phản chiếu cho thấy các chỗ lấp đầy bằng khoáng giống thủy tinh, ánh hơi thấp hơn đá ruby chủ. Ảnh chụp hiển vi bởi O. Segura; phóng đại 10 lần.

Xem dưới kính hiển vi, viên đá có vài khu vực ánh hơi đục hơn dưới ánh sáng phản chiếu (hình 12), là đặc trưng của đá lấp đầy thủy tinh chì. Nhiều bọt khí kích cỡ khác nhau, hình dẹt và hình cầu (hình 13) cho thấy sự lấp đầy trên diện rộng, có thể trong các lỗ hổng đã có sẵn. Điều này gợi lên câu hỏi viên đá là một mảnh ruby độc lập hay là mẫu lắp ghép. Kiểm tra kỹ lưỡng hoa văn sáu tia và hướng của “mây lụa”  trong viên cabochon cho thấy nó thật sự được mài ra từ một tinh thể đơn cho dù hàm lượng thủy tinh cao. Ngoài ra còn thấy nhiều bao thể tinh thể với hình thái học được cho là apatite (xem lại hình 13).

Hình 13: Các bọt khí bị mắc kẹt với nhiều kích cỡ cho thấy mức độ lấp đầy thủy tinh chì trong viên ruby sáu tia. Các bao thể màu tối có lẽ là apatite được nhìn thấy bên phải. Ảnh chụp hiển vi bởi O. Segura; phóng đại 20 lần.

Những người buôn khác ở Chanthaburi sau đó đưa ra một viên ruby sáu tia không xử lý, kích cỡ lớn (đến 181 ct) được cho là đến từ vùng Nzérékoré  thuộc phía nam Guinea, nguồn này chưa được ghi nhận về loại ruby này. Thật không may nhóm nghiên cứu không có được bất kỳ mẫu đá nào của vùng đó để phân tích.

 (Theo Olivier Segura (oliviersegura@free.fr), Mandara, Monsoult, Pháp; Emmanuel Fritsch trong Gem News Interational, quyển G&G Spring 2011)