Bảng tin tháng 08/2011

Spinel Xuất Xứ Từ Vùng Bawma, Myanmar

Spinel chất lượng đẹp từ Myanmar đã được biết từ nhiều năm qua, đặc biệt là tông màu đỏ sáng. Gần đây ông Hussain Rezayee thông cáo rằng có một mỏ đá spinel mới, màu đỏ phớt cam đến đỏ phớt tím, nằm gần làng Bawma thuộc vùng Mogok, Myanmar. Có tổng cộng khoảng từ 1 – 2 kg đá thô có thể mài giác đã được khai thác từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2009 trước khi mỏ này bị chính phủ đóng cửa. Mặc dù các mẫu khoáng trong suốt có trọng lượng đến 20 g đã được tìm thấy, nhưng hầu hết khoáng vật thì quá tối để cắt mài thành các viên đá hấp dẫn với kích cỡ lớn.

Hình 1: Các viên spinel (0,35 – 3,52 ct) được cắt mài từ một viên đá thô mới được khai thác từ mỏ đá ở vùng Mogok, Myanmar. Viên đá nặng 0,59 ct thuộc bộ sưu tập của GIA, số hiệu: 38203; ảnh của Robert Weldon.

Từ viên đá thô 6,8 g, ông Rezayee đã mài được 5 viên với trọng lượng từ 0,35 đến 3,52 ct (hình 1) và ông đã đưa chúng đến GIA để giám định. Các đặc điểm như sau đã được ghi nhận: màu – đỏ; chiết suất RI – 1,718; tỷ trọng thủy tĩnh SG – 3,60; phát quang – đỏ yếu đến vừa dưới UV sóng dài đến sóng ngắn; một dãy phổ hấp thu được nhìn thấy trong vùng màu lục cùng với vạch hấp thu sắc nét tại 684 nm nhìn thấy dưới phổ kế để bàn. Quan sát dưới kính hiển vi nhìn thấy các bao thể dạng “dấu vân tay” là do sự kết hợp của các tinh thể âm nhỏ, hình tám mặt. Tất cả tính chất và đặc điểm quan sát được đều phù hợp với spinel đỏ thiên nhiên. Phổ phát quang bức xạ không cho thấy có dấu hiệu xử lý nhiệt.

Sau cuộc hành trình đến Myanmar gần đây của mình, ông Rezayee biết rằng chính phủ Myanmar đang có kế hoạch cho khai thác liên doanh với các công ty tư nhân vì thế một lượng khoáng mới sẽ được tung ra thị trường trong tương lai.

(Theo Nathan Renfro (nrenfro@gia.edu) GIA Laboratory, Carlbad và Brendan M. Laurs trong Gem News Interational, G&G Summer 2010)

 

Tsavorite Và Một Số Garnet Màu Lục Khác

Được Cho Là Từ Afghanistan

Tháng 12 năm 2008, Farooq Hashmi (Intimate Gems, Jamaica, New York) cho GIA mượn một vài viên khoáng màu lục, chúng được bán cho ông với tên là garnet vùng Peshawar, Pakistan. Cách đây vài năm ông cũng có mua được một ít khoáng và người bán nói với ông rằng chúng từ Kala, tỉnh Kunar, Afghanistan. Vài năm trước nữa ông đã thấy nhiều lô hàng tương tự ở Peshawar, mặc dù các viên đá đó thường là nhỏ, hầu hết chỉ phù hợp cắt mài thành các viên kích thước bé.

Hình 2: Các mẫu grossular đến grossular-andradite được cho là từ Afghanistan. Các viên mài giác nặng 0,09 – 0,20 ct được mài bởi Matt Dunkle; 02 viên màu lục đậm hơn trong số chúng là tsavorite. Ảnh của Jian Xin (Jae) Liao.

Nghiên cứu 18 mẫu đá thô (0,08 – 0,21 g) và 3 viên mài giác (0,09 – 0,20 ct; hình 2) thu thập được các tính chất sau: màu sắc – lục phớt vàng vừa-nhạt đến vừa-đậm đến lục; chiết suất RI – 1,74 đến 1,77 (chiết suất điểm của các mẫu đá thô cũng nằm trong khoảng này); tỷ trọng thủy tĩnh SG – 3,43-3,64; phát quang – trơ dưới UV sóng dài và trơ đến cam rất yếu dưới UV sóng ngắn; có một dãy hấp thu hay một ngưỡng phổ tại 440 nm được nhìn thấy dưới phổ kế để bàn. Các đặc điểm này phù hợp với các báo cáo trước đây về garnet grossular đến garnet grossular-andradite, mặc dù vài chỉ số tỷ trọng thì thấp hơn so với tỷ trọng của khoáng ở nơi khác (như khi so sánh với chỉ số tỷ trọng 3,57 – 3,66 do C. M. Stockton và D. V. Manson báo cáo trước đây trong bài “Một đề xuất phân loại mới đối với khoáng garnet chất lượng quý”, Winter 1985 G&G, trang 205 – 218. Phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng trên tất cả các mẫu ghi nhận được một lượng chính gồm Ca, Al và Si và một lượng nhỏ Mn, Fe, Ti, Cr, Cu và Zn. Quan sát dưới kính hiển vi thấy được các bao thể lỏng và các bao thể dạng kim, một phần mặt lấp đầy dạng “dấu vân tay”, các bao thể tinh thể sẫm màu và ngấm màu gỉ sắt.

Một vài mẫu grossular đến grossular-andradite thì có màu lục đủ để xếp vào nhóm tsavorite. Trước đây tác giả chưa từng biết về loại đá tsavorite được khai thác từ Afghanistan.

(Theo Erica Emerson và Jason Darley, trong Gem News International quyển G&G Summer 2010).

 

Garnet Nhân Tạo Đáng Chú Ý: Garnet Calcium Niobium Gallium

Có hai viên garnet nhân tạo màu lục được các chuyên gia giám định phát hiện gần đây: garnet yttrium aluminum (YAG) và garnet gadolinium gallium (GGG). Thỉnh thoảng một số ít garnet nhân tạo quen thuộc vẫn được đưa đến các phòng giám định để kiểm tra.

Hình 3: Viên đá màu lục nặng 5,43 ct này được chứng minh là garnet calcium niobium gallium nhân tạo chứ không phải là khoáng garnet thiên nhiên. Ảnh của Bilal Mahmood.

Một viên đá màu lục nặng 5,43 ct có vẻ ngoài tương đồng với đá tsavorite (hình 3) được đưa đến phòng giám định AGL để xác định nguồn gốc. Các đặc điểm ngọc học ghi nhận được như sau: khúc xạ đơn nhưng có một khúc xạ kép dị thường, yếu; chiết suất RI – vượt ngoài giới hạn của chiết suất kế cơ bản; tỷ trọng thủy tĩnh SG – 4,73; không phản ứng dưới chiếu xạ UV sóng ngắn và dài. Khi kiểm tra dưới phổ kế để bàn thấy được các vạch hấp thu tại 470, 585, 625, 670 nm. Quan sát dưới kính hiển vi không thấy có bao thể hoặc sọc tăng trưởng. Mặc dù khách hàng quả quyết nó là demantoid, nhưng điều này không được chứng minh qua các giá trị tỷ trọng và đặc điểm phổ.

Phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng EDXRF ghi nhận được một lượng lớn gallium – Ga, niobium – Nb và một lượng nhỏ Ca. (oxygen, một nguyên tố nhẹ, không thể phát hiện ra bằng thiết bị này). Phổ hồng ngoại biến hình FTIR thấy được một đỉnh hấp thu rõ nét tại 3532 cm-1 và một đỉnh thấp hơn, rộng hơn tại 3448 cm-1; các đặc điểm này có vài điểm tương đồng với các đá garnet nhân tạo khác trong cơ sở dữ liệu của AGL, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Dựa trên các đặc điểm này có thể xác định mẫu đá đó là garnet calcium niobium gallium.

Cũng như YAG và GGG, garnet calcium niobium gallium được sản xuất để sử dụng là khoáng dẫn tạo tia laser. Loại garnet nhân tạo này không được công nhận là khoáng giống hệt garnet tự nhiên và nó cũng không được xem là đá nhân tạo đúng nghĩa như trường hợp của YAG và GGG.

(Theo Elizabeth Quinn Darenius (eqdarenius@aglgemlab.com) American Gemological Laboratories, New York trong Gem News Interational, G&G Summer 2010)

 

Thủy Tinh Có Các Đới Sọc Thẳng Nhái Emerald

Một thế kỷ qua, thủy tinh được sử dụng là đá nhái phổ biến nhất. Do bản chất của nó có thể tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau nên nó có khả năng nhái hầu hết các loại khoáng quý – từ hữu cơ đến vô cơ, trong suốt hay chắn sáng, với nhiều màu sắc khác nhau – nó còn sở hữu các tính chất của các hiện tượng như lấp lánh nhiều màu, sự óng ánh, trắng bàn bạc như ánh trăng, đôi khi chúng còn có ánh opal, ánh ngọc trai và sự đổi màu. Tuy nhiên các đặc điểm như bọt khí, đặc tính xoay dưới nicol phân cực hoặc hiệu ứng hóa mờ thủy tinh đã giúp xác định chúng là thủy tinh.

Hình 4: Hai mẫu đá 17,05 và 1,79 ct được cho là emerald nhưng thực chất là thủy tinh nhái emerald. Ảnh của G. Choudhary.

Gần đây, phòng giám định đá quý ở Jaipur, India đã nhận giám định 2 mẫu đá màu lục như trong hình 4 (17,05 và 1,79 ct), chúng được chủ hàng cho là emerald. Mặc dù vẻ ngoài của viên đá ban đầu có thể đoán là emerald, ngoại trừ màu sắc và độ tinh khiết của chúng làm tăng sự nghi ngờ về nguồn gốc của đá.

Cả hai mẫu đều cho thấy có sự khúc xạ kép bất thường dưới máy phân cực, vượt ngoài ngưỡng thông thường của emerald. Viên nặng 17,05 ct có chiết suất RI: 1,730 và tỷ trọng thủy tĩnh SG: 4,36, trong khi đó mẫu nặng 1,79 ct có RI: 1,630 và SG: 3,03. Cả hai mẫu đều trơ dưới UV sóng dài và sóng ngắn; không thấy được vạch hấp thu dưới phổ kế để bàn. Các đặc điểm này cho thấy chúng là thủy tinh.

Vài đặc điểm nổi bậc có thể quan sát được dưới độ phóng đại. Cả hai mẫu đều cho thấy có một loạt các đường thẳng hàng, sắc nét dọc theo chiều dài viên đá (hình 5, bên trái) khi quan sát dưới ánh sáng thị trường tối, nhưng không rõ bằng khi quan sát trong dung dịch nhúng. Những đường sọc thẳng thế này thường làm ta liên tưởng đến các sọc tăng trưởng và đới màu trong đá tự nhiên. Nhìn từ góc độ khác sẽ thấy các đường này nằm trên một mặt phẳng với các đường rìa sắc nét (hình 5, bên phải). Ngoài ra còn thấy rải rác một vài bọt khí có trong mẫu đá 1,79 ct.

Hình 5: Hai mẫu đá trong hình 4 có các đường thẳng, sắc nét dọc theo viên đá, gợi liên tưởng đến sọc tăng trưởng và đới màu trong đá tự nhiên (bên trái). Xem ở góc độ khác, một số đường thực chất là mặt phẳng với cạnh rìa sắc nét. Ảnh chụp hiển vi bởi G. Choudhary; phóng đại 45 lần.

Loại thủy tinh nhái emerald này dễ dàng bị phát hiện dưới các thiết bị kiểm tra cổ điển nhưng chúng cũng có thể gây khó khăn cho những người buôn bán kim hoàn hoặc các thẩm định viên nghiệp dư chỉ sử dụng kính lúp 10 để xác định chúng.

(Theo Gagan Choudhary (gtl@gjepcindia.com) Phòng Giám Định Đá Quý ở Jaipur, India trong Gem News International, quyển G&G Summer 2010)

 

Một Khoáng Nhân Tạo Mới – Nanogems

Hình 6: Bốn mẫu ceramic thủy tinh này (2,59 – 3,15 ct) được sản xuất tại Công ty TNHH Formica. Ảnh của Robert Weldon.

Ceramic thủy tinh là một loại khoáng nhân tạo gồm các tạp chất thủy tinh và các hạt nguyên tử kết tinh kích thước cực nhỏ – nano (oxide và silicate), chúng phát triển bên trong các tạp chất. Nó có các tính chất vật lý bất thường như nhiệt độ giãn nở âm – điều này làm cho nó rất có ích cho ứng dụng trong các kỹ thuật đặc biệt. Ceramic thủy tinh được biết rộng rãi suốt những năm 1970 khi lần đầu tiên nó được sử dụng tráng bề mặt của các bếp lò. Mặc dù vậy cho đến nay vẫn chưa ai thấy được khoáng ceramic thủy tinh chất lượng cao. Gần đây công ty Formica LLC của Nga (Moscow, chi nhánh ở Bangkok) đã phát triển thành công khoáng ceramic thủy tinh chất lượng cao gọi là “Nanogems”. Theo công ty cho biết thì khoáng này tồn tại dưới rất nhiều màu, có độ cứng Mohs từ 7 – 7,5 và độ bền kháng nhiệt cao làm cho nó có thể phù hợp với nhiều phương pháp sản xuất kim hoàn.

Tại hội chợ đá quý Tucson 2010, công ty Formica LLC đã tặng 4 mẫu cho GIA gồm 2 viên màu xanh và 2 viên màu lục, cắt dạng giác cúc nặng từ 2,59 đến 3,15 ct (hình 6). Qua các kiểm tra ngọc học cơ bản thu được các đặc tính sau: chiết suất RI – 1,621 (mẫu màu xanh) và 1,629 (mẫu màu lục); rõ ràng không có tán sắc; tỷ trọng thủy tĩnh SG – 3,02–3,07; phản ứng hoàn toàn dưới máy phân cực; phát quang – trơ dưới UV sóng dài và trơ (mẫu màu lục) hoặc phát quang màu trắng yếu (mẫu màu xanh) dưới UV sóng ngắn, không có sự phát lân quang; quang phổ - có 3 dãy hấp thu rõ trong vùng màu lục, vàng và đỏ (mẫu màu xanh) và 2 dãy hấp thu rõ nét trong vùng màu cam và đỏ (mẫu màu lục). Quan sát dưới kính hiển vi chỉ thấy vài bao thể rất nhỏ và vết vỡ trôn ốc có trên mẫu màu lục. Tuy nhiên trên cả 4 mẫu đều thấy rõ các sọc tăng trưởng, trong hầu hết các sọc này đều chạy dài suốt toàn bộ mẫu (hình 7). Khi quan sát dưới nguồn sáng là đèn sợi quang, tất cả các mẫu còn cho thấy một vài chỗ có màu trắng đục, cũng giống như khi quan sát các tinh thể nano dưới ánh sáng phân tán.

Hình 7: Mẫu ceramic thủy tinh màu lục này chứa vài tạp chất nhỏ cỡ đầu kim và sọc tăng trưởng rất dễ thấy khi quan sát theo một hướng nào đó. Ảnh chụp hiển vi bởi A. Shen.

Phổ khối lượng – Plasma cảm ứng kép – Bắn laser (LA – ICP – MS) trên tất cả các mẫu đều có thành phần chủ yếu là silicate nhôm của Mg-Ti-Zn-Zr. Các mẫu màu xanh chứa ~80 ppm Co và mẫu màu lục chứa ~7000 ppm Ni. Tác giả tin rằng hai nguyên tố này chính là các chất tạo màu chủ yếu của đá. Phổ hấp thu cực tím vùng nhìn thấy được (UV-Vis) cho kết quả tương tự như khi xem dưới phổ kế để bàn: 3 dãy phổ rõ trong các mẫu màu xanh tại 545, 583 và 624 nm; trong mẫu màu lục thì có 2 dãy hấp thu tại 593 và 633 nm. Dưới phổ hồng ngoại thì tất cả các mẫu đều cho thấy một đỉnh hấp thu phổ biến tại 2150 cm-1 và 2 dãy rõ tại 3641 và 3394 cm-1, các dãy phổ này rõ ràng là có liên quan đến các nhóm ion hydroxyl. Ngoài ra còn quan sát thấy 4 dãy phổ rất nhỏ tại 4521, 4252, 2677 và 2244 cm-1. Phổ Raman cho thấy một dãy phổ nhô cao đặc trưng của khoáng vô định hình – không kết tinh (ví dụ như thủy tinh), cùng với vài dãy phổ sắc nét (hầu hết dễ thấy nhất tại 656 và 415 cm-1) điều này phù hợp với gahnospinel (một loại spinel chứa kẽm màu xanh hoặc xanh nhạt). Do đó những đặc điểm của khoáng vật này phù hợp với ceramic thủy tinh (glass-ceramic).

Sự phản ứng toàn phần dưới máy phân cực và sọc tăng trưởng rõ nét cho phép ta tách loại khoáng này ra khỏi các loại thủy tinh đặc trưng thường gặp dùng để nhái các loại đá quý. Tuy nhiên không phải tất cả các viên ceramic thủy tinh mài giác đều thấy được các đặc điểm trên, điều này làm cho chúng càng thêm khó phân biệt với thủy tinh – mặc dù thành phần hóa học của chúng là khác nhau. Hầu hết các tiêu chuẩn phân biệt đáng tin cậy chủ yếu dựa vào sự nhiễu xạ tia X nhưng thiết bị phục vụ cho phương pháp kỹ thuật này thì rất ít phòng giám định đá quý được trang bị.

(Theo Andy Shen (andy.shen@gia.edu), GIA Laboratory, Carlbad, trong Gem News International quyển G&G Summer 2010)

 

Ruby Lấp Đầy Thủy Tinh Chì Trong Trang Sức Cổ

Hình 8: Mặt dây chuyền cổ xưa này có gắn một viên ruby xử lý thủy tinh chì nặng khoảng 7,5 ct. Ảnh chụp bởi Bilal Mahmood.

Gần đây việc xử lý ruby là đề tài nóng cho cả giới kinh doanh lẫn các cơ quan thông tấn báo chí chủ đạo, đặc biệt là ruby lấp đầy nhiều thủy tinh chì, loại này hiện diện rộng khắp các nơi kinh doanh đá quý và thậm chí có thể tìm thấy ngay trong các cửa hàng nhỏ lẻ, các website về trang sức và các kênh mua sắm trên tivi. AGL đã đồng thuận với tên gọi composite ruby (tạm dịch là ruby phức hợp) để dễ dàng phân biệt chúng với các ruby xử lý nhiệt truyền thống và rõ ràng là chúng được công nhận không phải là đá nhái ruby (giả ruby) càng không phải là đá nhân tạo. Việc xử lý này tác động đáng kể đến vẻ ngoài của corundum gốc (về độ trong suốt và màu sắc) và nó cũng đòi hỏi một sự bảo dưỡng đặc biệt để tránh làm hư hỏng đá. Những viên đá bị xử lý lấp đầy nhiều thủy tinh chì có thể bị lộ rõ khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa thông thường dùng trong gia đình, các dung dịch tẩy rửa trang sức và sự tiếp xúc với lửa đèn khò của thợ kim hoàn cũng có thể là nguyên nhân gây hư hỏng đá.

Mặc dù trên thị trường, loại khoáng này là khá phổ biến nhưng tác giả vẫn bị bất ngờ khi thấy một viên đá như trong hình 8 khi nó được đưa đến để giám định. Mặt dây chuyền cổ xưa này được gắn những viên kim cương cắt theo kiểu giác cắt cổ xưa và các hạt ngọc trai nhưng viên đá gắn ở phần trung tâm thì được xác định là ruby phức hợp (sử dụng kính hiển vi và phổ EDXRF), ước lượng nặng khoảng 7,5 ct. Mặt dây chuyền cổ xưa này có bề ngoài không giống như là một mô hình sao chép và kỹ thuật làm ra nó cũng biểu thị sự lâu đời của món trang sức. Viên ruby phức hợp đã được gắn trở lại mặt dây chuyền cổ xưa một cách cẩn thận, ổ chấu kiểu một chuỗi các hạt nhỏ li ti bao quanh vẫn trong tình trạng hoàn hảo và không nhìn thấy sự tan chảy thủy tinh trong viên đá, thường hay gặp khi đá tiếp xúc với lửa đèn khò của thợ kim hoàn.

Loại ruby phức hợp này đã bắt đầu hiện diện trong các món trang sức cổ xưa như trường hợp trên là điển hình cho thấy sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của loại đá này và củng cố thêm nữa tầm quan trọng của việc giám định để xác định đúng bản chất của đá quý.

(Theo Elizabeth Quinn Darenius, trong Gem News International quyển G&G Summer 2010)

 

Sphene Ở Miền Bắc Pakistan

Hình 9: Các viên sphene (nặng nhất ~ 1,7 ct) được báo cáo là từ mỏ mới ở thung lũng Shigar, miền Bắc Pakistan. Ảnh của Jeff Scovil.

Khoáng sphene chất lượng quý màu sắc hấp dẫn đã từng được biết đến từ vùng Frontier phía Tây Bắc Pakistan (xem phần GNI, quyển G&G Spring 2006, trang 67 – 68). Vào năm 2010, Arizona Mineral & Fossil Show (Hotel Tucson), Syed Iftikhar Hussain (Syed Trading Co., Peshawar, Pakistan) đã thu thập được vài viên sphene mài giác từ một mỏ đá mới ở Pakistan: tại khu vực thung lũng Shigar, nơi nổi tiếng là nguồn cung cấp aquamarine, topaz, tourmaline đen và các khoáng khác. Mỏ sphene được thông tin là tọa lạc gần Niesolo trong thung lũng Basha, nơi nằm bên trong lãnh thổ Gilgit-Baltistab của Pakistan (trước đây là khu vực phía Bắc Pakistan). Khoáng sphene được tìm thấy lần đầu vào năm 2008 và ông Hussain đã có được ~ 7 kg các đoạn tinh thể sphene nằm trong khu vực khai thác khoáng quý. Mặc dù có thể mài được các viên đá nặng từ 25 – 30 ct, nhưng đa phần đá nặng trên 6 – 7 ct thì thường có màu rất tối. Khoảng 160 ct đá sphene mài giác đã được ông Hussain cho trưng bày tại hội chợ đá quý Tucson là có màu khá đẹp (hình 9), chúng có màu lục phớt vàng dưới ánh sáng ban ngày và có màu lục phớt nâu dưới ánh sáng nóng.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, G&G Summer 2010)

 

Rhodonite Mắt Mèo

Rhodonite (MnSiO3) là một khoáng màu hồng đến đỏ hấp dẫn, nó thường được bán làm mẫu trưng bày hay trang trí, ít được bán như một loại đá quý do nó thường đục và có 2 hướng cát khai hoàn toàn. Các mẫu khoáng có thể mài giác thì rất hiếm và chỉ một lượng nhỏ là thường xuyên được khai thác từ 2 địa phương – Broken Hill, Australia và Minas Gerais, Brazil (xem P. W. Millsteed, “Rhodonite trong suốt mài giác từ Broken Hill, New South Wales, Australia”, Summer 2006 G&G, trang 151 – 158; và Fall 2004 GNI, trang 260 – 261). Một số rhodonite được đánh bóng có màu bão hòa giống với spinel hay rhodochrosite rất đẹp.

Hình 10: Viên rhodonite mắt mèo này (6,93 ct) từ Brazil có một dãy óng ánh dạng mắt mèo rất đẹp. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Tại hội chợ GJX, Luciana Barbosa có một số viên rhodonite cabochon hấp dẫn với dãy óng ánh dạng mắt mèo rất đẹp (hình 10). Cô cho rằng khoáng này được tìm thấy vào năm 2009 ở Morro da Mina, gần Conselheiro Lafaiete ở Minas Gerais. Rhodonite được khai thác như một sản phẩm phụ của mỏ khai thác mangan, tại một hầm mỏ lộ thiên lớn được điều hành bởi Campanhia Vale do Rio Doce. Bà Barbosa biết rằng có ~30 mẫu rhodonite mắt mèo (~2 – 40 ct), loại này trước đây bà chưa từng nhìn thấy. Theo bà được biết thì những viên đá này hoàn toàn không bị xử lý. Bà còn cho biết rằng các viên rhodonite đã được xác định bằng phương pháp phân tích nhiễu xạ tia X. Đây cũng là bản tin đầu tiên về rhodonite mắt mèo.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)