Bản tin tháng 11/2006

Đá sphene ở Pakistan 

Text Box: Hình 1: Đá sphene ở Pakistan có một loạt màu và được mài giác theo nhiều dạng. Trong hình là các mẫu mài giác (1,47 – 6,21 ct) và một tinh thể sphene rộng 2,8 cm. Hình của Jeff Scovi. Ông Dudley Blauwet có một bộ sưu tập đá sphene gốc Pakistan rất ấn tượng. Các đá này đặc biệt vì có cả một dãy màu, tán sắc mạnh và có nhiều viên sắp thành cặp nhờ giống màu, kích thước và hình dạng. Ông Blauwet mua các đá này vào giữa năm 2004. Chúng xuất xứ từ vùng biên giới Tây Bắc Pakistan. Các mỏ được khai thác bằng các công cụ cầm tay và chất nổ.

Sphene ở đây đặc biệt có màu cam vàng kim mạnh, tán sắc mạnh, có ánh đỏ. Dãy màu chính của chúng từ vàng đến nâu cam, còn nâu phớt lục và vàng phớt lục thì ít hơn. Hầu hết sphene bán ở Peshawa là các mảnh tinh thể, đôi khi cũng có các tinh thể đẹp (hình 1). Đá thô tìm được đôi khi khá lớn (vài cm), nhưng chỉ một phần nhỏ của các tinh thể ấy là mài giác được. Viên đá mài giác lớn nhất đạt 18 ct. Nhờ có sắc màu đỏ, nên các đá có màu nâu vẫn bán được dễ dàng. 

  Tỷ trọng các đá sphene này là 3,51 – 3,54. Chiết suất rất cao, vượt qua giới hạn đo của chiết suất kế. Độ tán sắc mạnh. Tính đa sắc: các đá sphene màu cam và nâu thì đổi màu vàng mạnh và cam đỏ; đá màu vàng thì đổi màu vàng vừa và cam phớt nâu. Độ trong suốt cao. Không phản ứng với tia cực tím.

Nhờ có màu đậm đà và độ trong suốt cao nên nhu cầu về các đá sphene này rất lớn, hai nơi đặt hàng nhiều nhất là Bangkok và Hong Kong.

 

Tạp chất lỏng có màu trong đá thạch anh

Text Box: Hình 2: Bốn hình trên đều là các tạp chất nằm trong đá thạch anh ở Brazin. Hình (1): Tạp chất lỏng màu cam 2 pha nằm trong 2 đới tăng trưởng khác nhau, là nguyên sinh chứ không phải hình thành do khe nứt. Hình (2): Tạp chất lỏng màu xanh dương khá lớn, có màu giống với dung dịch sulfat đồng bão hòa. Hình (3): Một vài tạp chất lỏng màu xanh dương, có hình dạng của tinh thể âm khá tự hình. Hình (4): Một tinh thể mica hình lục giác, mỏng, màu nâu nhạt và một số tạp chất dạng sợi cùng hiện diện với tạp chất lỏng màu xanh dương. Hình của J. I. Koivula.

Thạch anh chứa nhiều tạp chất theo nhiều dạng khác nhau, tuy nhiên nếu chứa các tạp chất lỏng có màu thì lại là điều hết sức lạ lùng và thú vị.

Hình 2 là các tạp chất lỏng có màu nằm trong thạch anh vùng Bahia, Brazin. Hình 2.1 là tạp chất lỏng hai pha (pha lỏng và pha khí). Pha lỏng có màu cam hơi hồng. Màu này gần giống với dung dịch chứa oxid sắt hay hydroxit sắt. Chất lỏng này có hình dạng bất kỳ, không phản ứng với tia cực tím và nằm trong hai đới phát triển khác nhau của thạch anh, được cho là chúng đã được hình thành cùng lúc tinh thể thạch anh phát triển. Kiểu hình thành tạp chất này gọi là nguyên sinh. Cùng với chất lỏng màu cam là bọt khí, bọt này không di chuyển được khi nghiêng viên đá, có lẽ do chất lỏng chưa đủ lớn để có không gian cho bọt khí di động. Ngoài ra còn có các tạp chất dạng sợi rất nhỏ.

Các hình còn lại là tạp chất lỏng màu xanh dương, màu này giống với màu của dung dịch sunfat đồng bão hòa. Vì màu xanh sáng, nên vẫn có thể thấy bằng mắt thường các tạp chất lỏng có kích thước nhỏ. Các tạp chất này cũng thường là 2 pha, mỗi một tạp chất lỏng chỉ chứa một bao thể khí. Đôi khi cũng có các pha rắn nhỏ nằm sát vách các tạp chất lỏng. Dưới UV sóng dài, dung dịch màu xanh dương này phát sáng từ yếu đến màu trắng hơi xanh phấn (xanh sáng). Các tạp chất này thường phân bố ngẫu nhiên và có kích thước thay đổi. Hầu hết đều có cạnh tưa và uốn éo, nhưng một số tạp chất nhỏ có dạng tinh thể âm khá tự hình (hình 2.3) và một ít có bọt khí di chuyển được (hình 2.1). Thỉnh thoảng cũng có các tinh thể mica và tạp chất dạng sợi rất mảnh, rối bời, chúng rất giống với những tạp chất thấy trong các đá thạch anh có tạp chất lỏng màu cam phớt hồng.

 

Viên kim cương “Lời Hứa Lesotho”

Text Box: Hình 3: Viên kim cương thô tên là Lời hứa Lesotho, có màu trắng cấp cao nhất và rất tinh thiết, nặng 603 ct, to hơn quả bóng golf, là viên kim cương thô lớn thứ 15 trên thế giới, đã được bán với giá hơn 12 triệu đô la Mỹ . Hình của AP. Ngày 09/10/06, viên kim cương thô có tên là Lời hứa Lesotho (hình 3) đã được bán với giá hơn 12 triệu đô la Mỹ trong một cuộc đấu giá kéo dài đến 5 ngày ở Antwerp, Bỉ.

Bộ trưởng bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Lesotho là ông Mamphono Khaketla cho biết là chính phủ Lesotho và Cty Gem Diamonds là đồng sở hữu viên Lời hứa Lesotho và Cty South African Diamond Corp, hay Safdico, có trụ sở tại một thành phố là trung tâm kim cương lớn ở Nam Phi là đơn vị đã mua được nó. Ông nói “Chúng tôi đặt tên viên kim cương là Lời hứa Lesotho vì chúng tôi xin hứa với các bạn là chúng tôi sẽ luôn như thế và ngày càng tốt hơn nữa trong tương lai”.

Viên Lời hứa Lesotho đã được tìm thấy trong tháng 8 tại mỏ kim cương Letsing nằm trong một dãy núi thuộc Lesotho. Một nữ công nhân lựa kim cương từ đá vụn đã la hét lên khi thấy nó, làm nhiều người tưởng cô bị điện giật. Lesotho là một nước nhỏ, tên chính thức là Vương quốc Lesotho, nằm lọt hẳn trong nước Nam Phi rộng lớn. Tại vùng mỏ này, năm 1967, người ta cũng đã tìm được một viên kim cương thô rất lớn, nặng 601 ct và được đặt tên là Lesotho Brown do có màu nâu.

Viên Lời hứa Lesotho nặng 603 ct, là một trong những viên đá thô lớn nhất thế giới, nó đứng thứ 15. Từ 13 năm nay, nó là viên lớn nhất được tìm thấy. Màu của nó đứng đầu thang phân cấp, đó là màu D. Độ tinh khiết của nó cũng rất cao.

Cuộc đấu giá kéo dài đến 5 ngày căng thẳng, Cty mua được viên Lời hứa Lesotho đã vượt qua 3 nhà đầu tư khác bỏ giá cũng rất cao. Cty này cho biết họ sẽ cho mài viên đá này tại một xưởng của họ tại Antwerp, Bỉ,  thành một viên lớn hình trái tim và những viên nhỏ khác. Họ hy vọng rằng sau khi mài xong, viên Lời hứa Lesotho sẽ bán được với giá 20 triệu đô la.

 

Tìm thấy mỏ vàng và đồng lớn thứ năm thế giới

Text Box: Hình 4: Tỉnh Balochistan, Pakistan.

Mỏ vàng và đồng lớn thứ năm thế giới vừa được phát hiện trong vùng Chaghi, thuộc tỉnh Balochistan nằm về phía tây nam Pakistan (hình 4).

Tổng giám đốc Sở Khoáng Sản của tỉnh là ông Maqbool Ahmed cho biết có các công ty của Canada và Chi Lê đã được cấp phép cách nay 10 năm để thăm dò vàng trong vùng Bekodik, đã hoàn tất việc thăm dò và đang trình dự án khai thác vàng và đồng.   

Trong giai đoạn đầu, hai công ty này sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đô la cho dự án khai thác.

Theo ông Ahmed thì hàng năm sẽ khai thác được khoảng 200.000 tấn đồng và 11,34 tấn vàng.

Chính quyền tỉnh sẽ được chia 25% lợi nhuận và khi dự án đi vào hoạt động sẽ sử dụng đến 3.000 lao động mới.

Ông Ahmed cho biết hai quận Zhob và Lasbela thuộc tỉnh cũng có khả năng có những mỏ vàng, hiện đã có 9 công ty đa quốc gia đã được cấp phép thăm dò. Tuy nhiên các đảng đối lập cho rằng việc cho khai thác các mỏ trên là chính quyền liên bang đang cướp mất nguồn tài nguyên của tỉnh.

 

Thạch anh bạch kim có sao 6 cánh

Text Box: Hình 5: Hình phóng đại bên trong đá thạch anh bạch kim ở vùng Minas Gerais, Brazin có các tạp chất hình sao 6 cánh rất lạ (rộng khoảng 2,5 cm). Sao được cấu tạo bởi các kim rutin ánh bạc. Phần phía sau thấy màu sặc sỡ là do hợp tinh luật Brazin nhìn dưới ánh sáng phân cực. Hình của J.I. Koivula. Có một loại thạch anh ở Brazin được bán với tên thương mại là “thạch anh bạch kim – platinum quartz”. Sở dĩ có tên bạch kim này là vì bên trong thạch anh có các tạp chất hình thành do sự mọc xen của hai khoáng vật gốc oxid titan là rutin và brookit  bên trong thạch anh ám khói màu nâu. Quan sát dưới phóng đại, tạp chất gồm các sợi của rutin mọc xen các que kéo dài của brookit. Các kim và que này khi chiếu sáng, có ánh bạc lấp lánh, trông rất giống bạch kim. Cả hai đều hình thành cùng lúc với sự tăng trưởng của thạch anh.

Thạch anh bạch kim gốc Brazin khá phổ biến, tuy nhiên mới đây người ta đã đưa ra giới thiệu một viên thạch anh bạch kim khác hẳn các thạch anh bạch kim thông thường, là vì nó có tạp chất hình sao 6 cánh. Viên thạch anh này nặng 94,7 ct, đã được mài bóng hoàn toàn, có hình tấm dẹp làm lộ rõ tạp chất 6 cánh ánh bạc bên trong (hình 5). Ngôi sao này được cấu tạo bởi nhiều sợi rutin, mọc trên nền có vẻ là 3 que dẹp dài brookit, xếp cách nhau 60 độ.

Khi nhìn viên thạch anh dưới ánh sáng phân cực, ta thấy bên dưới sao 6 cánh là một nền màu sặc sỡ (hình 5). Đây là hiện tượng quang học do hợp tinh của thạch anh theo luật Brazin tạo nên. Có lẽ qua hàng trăm, hàng ngàn viên thạch anh mới có được một viên độc đáo thế này. Chắc chắn nó không phải là duy nhất, nhưng để có một viên khác như nó không phải là dễ dàng gì.

 

Viên saphia có đới màu không bình thường

Text Box: Hình 6: Viên saphia 11,29 ct này có đới màu lạ lùng. Phần đáy chỉ có một lớp mỏng màu xanh dương đậm, còn hầu hết là không màu (hình bên phải). Tuy nhiên chính nhờ lớp màu đậm ở đáy, dù mỏng, nhưng nó vẫn làm viên đá hết sức duyên dáng vì thấy toàn bộ là màu xanh khi nhìn vào mặt chính (hình bên trái). Hình của G. Goudhary. Viên đá hình ovan ở hình 6 nặng 11,29 ct, có màu xanh dương với đới màu không bình thường.

Chiết suất của viên đá 1,760 – 1,770 và tỷ trọng là 3,98, các thông số này phù hợp với saphia.

Viên đá được mài giác, với đáy là một mặt phẳng lớn (hình 6 bên phải), điều này hết sức lạ nhưng chắc là phải có nguyên do. Khi nhìn từ trên xuống, viên đá có màu xanh dương đồng nhất (hình 6 bên trái). Tuy nhiên khi nhìn bên hông thì viên đá hầu như là không màu, chỉ có một lớp mỏng màu xanh dương mạnh ở phần đáy (hình 6 bên phải). Chắc chắn đây là lý do tại sao viên đá lại được mài có đáy phẳng rất lớn, đó là giữ lại màu xanh cho toàn viên đá.

Vì đới màu ở dưới đáy rất đậm nên thoạt đầu người ta nghĩ rằng viên đá trên có thể không bình thuờng và đã được xử lý tẩm màu. Tuy nhiên khi khảo sát dưới phóng đại, với các tạp chất và hệ thống đới màu yếu hơn song song với đới màu đậm, các nhà ngọc học xác nhận viên saphia trên là tự nhiên và chỉ bị xử lý nhiệt mà không hề bị tẩm màu theo phương pháp khuếch tán.

Thông thường các đá saphia có nhiều đới màu, tuy nhiên viên đá trên chỉ có một lớp mỏng màu đậm, còn hầu hết là không màu thì là lạ lùng, hiếm gặp. Tuy nhiên người mài có nhiều kinh nghiệm đã giữ lại được phần màu xanh đậm ở phần đáy với dụng ý là nhờ lớp màu đậm này làm màu chung cho viên đá, khi nhìn từ trên xuống ta thấy viên đá vẫn xanh đẹp dù phần lớn nó là không màu.

 

Tại sao phải ghép đá thạch anh có rutin

Text Box: Hình 7: Hình bên trái là các viên đá thạch anh chứa tạp chất rutin màu vàng, chiều dài nhất 12 – 20 mm, được mài thành những dạng cabochon khác nhau. Chúng là những đá ghép. Hình bên phải cho thấy rõ điều này, viên cabochon thạch anh này được ghép lại bởi 2 phần tự nhiên, một lớp có nhiều kim rutin vàng, lớp kia thì trong suốt nhưng không có hay có rất ít rutin. Hình của M. Macri.

Đá thạch anh có các kim rutin vàng đã trở nên được ưa chuộng trong mấy năm gần đây và chúng đã có một vị trí tốt trên thị trường đá quý. Do nguồn cung cấp loại đá này có giới hạn (nguồn chính là từ Bahia, Brazin), nên hai năm nay giá của chúng tăng lên đáng kể. Cũng như bao đá quý khác, khi giá đá tăng lên, làm kích thích mọi phương thức buôn bán của các nhà kinh doanh.

Một dịp vào cuối 2005, tại thi trường ở Minas Gerais, Brazin, xuất hiện nhiều đá thạch anh chứa kim rutin. Đặc biệt giá của chúng khá rẻ, điều này làm các nhà ngọc học nghi vấn. Một số viên thạch anh chứa rutin vàng (hình 7) đã được đưa về phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Các thông số ngọc học xác định tất cả chúng đều là thạch anh. Tuy nhiên quan sát kỹ bên hông, thấy tất cả chúng gồm hai lớp thạch anh. Một lớp mỏng thạch anh bán trong, chứa nhiều kim rutin vàng. Lớp còn lại là thạch anh có độ trong suốt  cao hơn nhưng chứa rất ít hoặc không có kim rutin. Hai lớp được dán dính bởi một loại keo trong suốt. Kỹ thuật dán rất cao nên khó phát hiện nếu chỉ xem xét qua loa, chỉ những người có kinh nghiệm mới phát hiện được.

Thạch anh không có hay có rất ít kim rutin vàng sẽ có giá rẻ hơn nhiều vì dễ kiếm và không đẹp bằng thạch anh có nhiều rutin vàng. Cho nên để làm được nhiều viên thạch anh lớn có rutin vàng người ta phải ghép chúng với thạch anh trong suốt. Bán được nhiều thạch anh chứa rutin vàng sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn.

 

Viên đá ghép 3 lạ lùng

Text Box: Hình 8: Trong viên đá nặng 8,85 ct, ghép 3 mảnh này thấy có các bọt khí bên trong lớp keo dán nằm giữa nhân đá ulexite và phần vòm trên là saphia nhân tạo (hình trái). Bên phải là nhìn bên hông viên đá, thấy được ranh giới giữa lớp đáy và vòm trên của corundum nhân tạo. Đây là viên sưu tập của GIA số hiệu 32391. Hình của C.D. Mengason. Hàng chục năm nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại đá quý ghép, vật liệu ghép thường gồm tự nhiên và nhân tạo. Đôi khi cũng có vài kiểu ghép lạ lùng và đầy sáng tạo để làm tăng các hiệu ứng quang học mong muốn. Như trường hợp sau đây người ta đã tạo một viên đá ghép 3 mảnh làm thế nào đó cho giống với đá chrysoberyl có hiệu ứng mắt mèo.

Viên đá ghép 3 mảnh trong hình 8 nặng 8,85 ct, do H. Obodda tặng cho GIA làm bộ sưu tập. Người tặng nói viên đá này đã được làm từ năm 1960 bởi C. Stastny, một nhà mài ngọc ở Nữu Ước. Ông còn cho biết ông Stastny đã nhét một mảnh đá ulexite vào bên trong, nằm giữa phần vòm trên và phần đáy đều là corundum nhân tạo màu vàng. Phòng thí nghiệm của GIA đã xác định được 2 phần này là corundum nhưng chưa xác định được là tự nhiên hay nhân tạo do bản chất của mẫu. Phần vòm trên đã được khoét cẩn thận một lỗ cho vừa một nhân để tạo dạng mắt mèo. Mặc dù không thể xác định phần nhân mắt mèo, nhưng nhìn có vẻ giống với đá ulexite. Màu vàng nhạt sáng của corundum tổng hợp hoàn toàn không giống với chrysoberyl mắt mèo. Dù vậy, viên đá ghép 3 này là một sản phẩm hấp dẫn, ngay như nó là đá nhân tạo.

 

Giáo sư G. Robert Crowningshield đã qua đời

Text Box: Hình 9: Theo cáo phó từ phía Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (GIA), giáo sư G. Robert Crowningshield, nhà ngọc học vĩ đại, vừa mới qua đời ngày 08/11/2006, hưởng thọ 87 tuổi. Hình của GIA. GIA vừa mất đi một trong những nhà sáng lập, một nhà ngọc học lừng danh và một nhà khoa học nghiên cứu huyền thoại, một nhà tiên phong kỹ nghệ, đó là G. Robert Crowningshield.

Vị cựu phó chủ tịch Phòng Thí Nghiệm GIA này, đã được tôn vinh như là người khai sinh ra phương pháp nghiên cứu đá quý hiện đại bằng phổ học. Là một trong các nhà sáng lập ra Phòng Thí Nghiệm GIA ở Nữu Ước, ông là một nhà khoa học bao quát, luôn kiên định, làm cho bằng được, xây dựng những lý thuyết cơ bản cho Viện. Hơn 55 năm qua, ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của GIA, xây dựng lên những hệ thống kiến thức ngọc học chính xác và tinh tế và lúc nào cũng chỉ toàn là đá quý và đá quý đối với ông. Chúng tôi tỏ lòng tôn kính ông.