Bản tin tháng 12/2006

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC kính chúc quý khách

một lễ  Giáng Sinh và Tân Niên thật sự vui vẻ và hạnh phúc.

Bản tin Giám định kỳ này dành riêng cho việc tìm hiểu về viên kim cương thô lớn nhất thế giới: Viên Cullinan, nặng 3.106 carat (ct), tương đương 621,2 g.  

Năm 2005 đánh dấu 100 năm tìm thấy viên kim cương thô lớn nhất thế giới này, mà đến bây giờ (101 năm sau) nó vẫn là vô địch. Mãi đến 80 năm sau khi được phát hiện, một đội ngũ các nhà ngọc học mới có điều kiện nghiên cứu tường tận về nó. Chúng tôi xin trình bày với độc giả các chi tiết về nguồn gốc, quá trình chế tác và các đặc điểm của viên đá cực kỳ nổi tiếng này.  


Câu chuyện về

VIÊN KIM CƯƠNG THÔ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Mỏ Premier (nay là mỏ Culinan) ở đâu?

Hình 1: Nam Phi (South Africa) nằm ở phía nam lục địa Châu Phi. Mũi tên màu xanh lá cây là vị trí mỏ Premier (nay là mỏ Cullinan), nằm cách thủ đô Pretoria 25km. Hình của Google.

Hình 2: Mỏ Premier, phần vách đứng sâu thẳm là do khai thác kim cương để lại. Hình của GIA.

Viên kim cương thô khổng lồ Cullinan đã được phát hiện cách nay một thế kỷ, lúc ấy Đế chế Anh đang ở đỉnh cao quyền lực. Sau khi khám phá, tin điện được loan đi khắp thế giới, làm cho khu mỏ tên là Premier, Nam Phi trở nên nổi tiếng. Trong hàng nhiều năm trời, viên kim cương vĩ đại này luôn là biểu tượng của một đế chế hùng mạnh nhất thế giới. Với trọng lượng là 3.106 ct, cho tới nay nó vẫn là viên kim cương thô lớn nhất thế giới. Và hai viên kim cương thành phẩm lớn nhất cắt ra từ viên đá thô này hiện vẫn là những châu báu của vương triều Anh.

Mỏ Premier chính thức khai thác kim cương quy mô lớn vào năm 1903, cách nay đã hơn 100 năm. Mỏ này nằm trên một nông trang cũ, cách thủ đô Pretoria 25 km về phía đông (hình 1, 2 và 3). Sau gần 2 năm hoạt động, họ đã phát hiện được viên Cullinan. Trên 100 năm hoạt động, mỏ đã khai thác được số lượng kim cương thô kích thước lớn hơn 100 ct nhiều hơn bất kỳ mỏ nào trên thế giới, trong đó khoảng 25% kim cương trên 400 ct đã từng được phát hiện tại mỏ này.

Ngoài viên Cullinan, những viên kim cương thô huyền thoại khác xuất xứ từ mỏ này gồm có: Viên Taylor-Burton (240,8 ct), Premier Rose (353,9 ct), Niarchos (426,5 ct), Centenary (599,1 ct) và Golden Jubilee (755,5 ct). Viên Heart of Eternity màu xanh dương mạnh thành phẩm nặng 27,64 ct (không biết trọng lượng đá thô ban đầu) và 11 viên kim cương lớn màu xanh dương khác trong bộ sưu tập Thiên Niên Kỷ của  Cty De Beers cũng có nguồn gốc từ mỏ này.

Text Box: Hình 3: Hình chụp mỏ Cullinan hiện đại. Phần xây dựng là nơi tách kim cương thô ra khỏi quặng. Hố đen bên dưới cùng là miệng núi lửa cũ, chính là nơi khai thác kim cương, hiện nay đang được khai thác ngầm bên trong lòng đất, sâu đến 763 m. Hình của Google. Trong thế kỷ qua, mỏ Premier cũng đã đóng cửa và tái hoạt động vài lần. Mỏ đóng cửa lần đầu vào năm 1914, lúc mở ra thế chiến thứ I, hai năm sau thì hoạt động lại ngay trước khi De Beers nắm cổ phần chi phối. Rồi cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới xảy ra, làm cho kinh doanh kim cương giảm mạnh, năm 1932 mỏ lại đóng cửa một lần nữa. Lần này nó ngừng hoạt động thật lâu, mãi đến sau thế chiến thứ II chấm dứt mới lại hoạt động. Năm 1977, De Beers sở hữu toàn bộ mỏ Premier. Tuy nhiên mỏ lại gặp phải khó khăn mới, đó là muốn khai thác ống đá kimbeclit chứa kim cương sâu xuống bên dưới mức 550 m thì phải xúc bỏ lớp đá núi lửa dày đến 70 m nằm bên trên, chi phí này rất tốn kém. Vì mỏ vẫn còn sinh lợi nên De Beers không xúc bỏ lớp phủ dày mà quyết định đào các đường hầm xuyên qua chúng để đến được ống đá kimbeclit chứa kim cương, nhờ vậy việc khai thác được tiếp tục và có lợi nhuận. Hàng năm sản lượng kim cương vẫn đều đặn, mỗi năm khai thác hơn 1 triệu carat. Đến 2004, mỏ Cullinan sản xuất được 1,3 triệu ct.

Năm 2003, kỷ niệm 100 năm hoạt động mỏ Premier, tập đoàn De Beers chính thức đổi tên mỏ thành Cullinan, lấy theo tên viên kim cương thô lớn nhất thế giới đã được khai thác tại mỏ này. Hiện tại mỏ đang khai thác sâu cách mặt đất 763 m. De Beers hy vọng rằng mỏ vẫn còn khai thác sâu đến hơn 1100 m, như vậy mỏ sẽ hoạt động được 20 đến 25 năm nữa.


Viên kim cương thô Cullinan

Text Box: Hình 4: Hình minh họa viên Cullinan dưới 2 góc nhìn. Một số nhà địa chất thấy bề mặt tinh thể tự nhiên còn lại quá ít trên viên đá nên họ cho là nó đã tách ra từ một viên lớn hơn nhiều nhưng chưa phát hiện được. Hình của DTC. Ngày 26 tháng 1 năm 1905, viên sĩ quan Frederick Wells, giám đốc mỏ Premier tình cờ phát hiện một mảnh tinh thể rất lớn (hình 4) gần miệng một giếng cạn. Thông báo sự khám phá này làm bùng lên một cơn sốt báo chí đưa ra các phỏng đoán về giá trị viên kim cương thô, ước lượng khoảng từ 4 đến 100 triệu đô la, làm cho giá cổ phiếu của Công Ty Khai Thác Mỏ Premier tăng lên 80 lần. Các báo địa phương bèn đặt tên cho tinh thể khổng lồ này là “Kim cương Cullinan”, lấy theo tên của ông Thomas Major Cullinan, chủ tịch của công ty và là người phát hiện ra mỏ này. 

Ông T.M. Cullinan vào lập nghiệp ở Johannesburg, Nam Phi trong cơn sốt vàng năm 1887. Chỉ trong vài năm, ông trở thành một nhà thầu xây dựng danh tiếng của thành phố nhờ chỉ trong một thời gian ngắn mà công ty của ông đã biến khu lều tồi tàn của những người đào vàng thành một thành phố phát triển. Trước đó không lâu đã có cơn sốt vĩ đại tìm kiếm kim cương ở vùng mỏ Kimberley, cách Johannesburg 500 km về phía nam. Tuy nhiên mãi đến 1892, thỉnh thoảng nhận được các tin về phát hiện kim cương đã thúc đẩy Cullinan và một số bạn bè thành lập một liên doanh thăm dò kim cương tại địa phương. Doanh nghiệp có tên là Công Ty Khai Thác Kim Cương Driekopjes. Sau vài lần khám phá được một ít kim cương, công ty phải ngưng hoạt động do chiến tranh ở Nam Phi nổ ra vào tháng 10-1899. 

Trong những năm 1890, các nhà thăm dò phát hiện kim cương ở dạng bồi tích nằm rải rác trong vùng Transvaal do người Đức cai trị gần Pretoria, họ đi tìm nguồn gốc của các đá này, đến được các dòng suối nằm trong nông trại gọi là Elandsfontein của gia đình Willem Petrus Prinsloo. Dù cho có nhiều nhà thăm dò đã đề nghị mua khu đất nhưng người anh Prinsloo kiên quyết không bán. Tuy nhiên khi chiến tranh chấm dứt vào tháng 5-1902, Transvaal rơi vào quyền kiểm soát của người Anh, gia đình Prinsloo trở nên nghèo túng vì chiến tranh đã tàn phá nông trại và người anh Prinsloo qua đời.

Sau đó Cullinan đưa ra 2 đề nghị với 3 người thừa kế nhà Prinsloo để được phép tìm kiếm kim cương trên đất của họ, đó là sẽ trả cho họ số tiền 150.000 bảng Anh nhưng không xác định thời hạn trả hết tiền, hoặc là mua đứt bán đoạn bằng tiền mặt 45.000 bảng Anh. Gia đình Prinsloo chấp nhận đề nghị sau nhưng nâng giá lên 52.000 bảng Anh. Cullinan bèn lập ra Liên doanh Kim cương Premier để mua và phát triển kho tài nguyên này và ký một thương ước vào ngày 7-11-1902. Sau đó, liên doanh đổi tên thành Cty Khai Thác Kim Cương  Premier (Transvaal) (viết tắt là Cty Premier). Trong số các cổ đông, có Bernard Oppenheimer, là anh của ông Ernest Oppenheimer. Người em sau này trở thành giám đốc Công Ty Mỏ Hợp Nhất De Beers. 

Việc thu thập mẫu được thực hiện ngay lúc ký thương ước. Vào cuối năm 1902, nghĩa là chỉ hơn một tháng sau, họ đã có được 187 carat kim cương, và lan truyền nguồn tin là “đã tìm thấy đúng họng núi lửa chứa kim cương của thành tạo Pretoria”. Tháng 7-1903, dựa vào báo cáo chi tiết về mỏ ở nông trang Elandsfontein bắt đầu khai thác kim cương, chính quyền Transvaal áp mức thuế 60% trên lợi nhuận của mỏ. Năm sau đó, mỏ Premier công bố sản lượng năm là 749.653 carat và lợi tức là 667.738 bảng Anh.

Sau khi có viên Cullinan, công ty trưng bày nó tại Ngân Hàng Standard ở Johannesburg. Cty chỉ mời 3000 khách đến xem, nhưng lại có đến khoảng 9000 người chen chúc tại đây để được xem nó. Tờ báo địa phương là Transvaal Leader  tường thuật về cuộc triển lãm này trong tờ ngày 2-2-1905. Bài báo đưa ra một đề nghị là sẽ mua viên Cullinan với giá 500.000 bảng Anh để tặng cho vua nước Anh là Edward VII, là người đã có công trong bành trướng sự cai trị của đế chế Anh tại vùng Transvaal trong cuộc chiến tranh Nam Phi. 

Việc khám phá này cũng làm bùng lên một bí mật mà chưa bao giờ giải thích được. Tiến sĩ Molengraaff thuộc Uỷ Ban Thương Mại và Kỹ Nghệ Các Mỏ Nam Phi sau khi xem xét viên đá, cho rằng nó chỉ là một phần nhỏ của một viên đá lớn hơn nhiều, viên gốc này bị bể làm 4 phần, chúng đều có kích thước đáng kể. Kết luận này lan truyền rất nhanh và nổ ra nhiều cuộc tranh luận, người ta lại đổ xô đi tìm 3 mảnh còn lại. Tuy nhiên từ đó đến nay, vẫn chưa bao giờ tìm thấy những viên đá thô nào có vẻ giống với Cullinan cả.

Tháng 4-1905, viên đá được gởi tới Công Ty S. Neumann & Co., là đại lý thương mại của Cty Premier. Nó nằm đó đến 2 năm để chờ Hội Đồng Lập Pháp Transvaal có quyết định mua hay không. Cuối cùng vào tháng 10-1907, họ đưa ra thông báo chính thức là đồng ý mua viên Cullinan với giá 150.000 bảng Anh.

Vương triều Anh thông qua bộ trưởng Bộ Thuộc Địa, ngài Elgin, cho biết là đức vua sẽ xem viên kim cương này “như là một biểu tượng của lòng trung thành và gắn bó của người dân xứ Transvaal đối với vương triều và đức vua”. Vua Edward VII còn hứa rằng viên kim cương này “sẽ được giữ gìn trong số các châu báu lịch sử được dùng làm những vật phục vụ việc thừa kế ngai vàng”. Ngày 9-11-1907, đức vua nhận được viên kim cương thô Cullinan nhân dịp sinh nhật lần thứ 66 của ngài.

 

Cuộc tranh luận về trọng lượng

Text Box: Hình 5: Joseph Assher diễn lại động tác tách viên kim cương Cullinan. Hình của DTC. Mặc dù viên Cullinan có lẽ là viên kim cương có nhiều hồ sơ nhất trong lịch sử, nhưng các báo cáo về trọng lượng của nó lại khác nhau do thời đó cân không được chính xác và không có sự chuẩn hóa về trọng lượng carat.

Tường thuật báo chí đầu tiên cho biết tại mỏ viên đá cân được 3.032 ct. Sau đó tại văn phòng Cty Premier ở Johannesburg, nó cân được 3.024,75 ct, còn tại trụ sở tại Luân Đôn thì đạt 3.025,75 ct. Các lần cân hồi đó đều dùng đơn vị carat Anh nhưng kết quả lại khác nhau, có lẽ là do các nơi sử dụng các quả cân bằng đồng thau không giống nhau (một số quả cân bị mòn vì dùng nhiều) và sự chênh lệch vĩ tuyến giữa Anh và Nam Phi làm trọng trường thay đổi.

Người được chọn để mài viên đá là Joseph Asscher (hình 5) sống ở Amsterdam, Hà Lan, xưởng mài của ông cũng ở địa phương này. Trước khi cắt mài, ông cân viên kim cương đạt 3.019,75 carat Hà lan.

Bây giờ thì người ta biết được đơn vị “carat Anh” tương đương 0,2053 g, còn “carat Hà Lan” bằng 0,2057 g; cả hai đều nặng hơn đơn vị carat thuộc hệ thống đo lường quốc tế hiện nay là 0,2 g. Chính những sự khác biệt đó làm phát sinh nhu cầu chuẩn hóa quốc tế trọng lượng carat (1910). Trọng lượng viên đá theo đơn vị carat quốc tế là 3,106 carat.

 

Cắt mài viên Cullinan thô

Ngày 6-02-1908 Asscher bắt đầu kiểm tra viên kim cương, thấy được 2 tạp chất bên trong. Bốn ngày sau, ông bắt tay vào việc tách viên đá. Cú gõ đầu tiên làm mẻ lưỡi dao, viên đá vẫn còn nguyên (hình 5 và 6). Ông phải dùng dao mới, rồi gõ lần nữa mới tách được viên đá làm hai, một viên nặng 1.997,5 ct và viên kia 1040,5 ct, đều là đơn vị Hà Lan (tương đương 2.029,9 và 1.068,8 ct). Ngày 14-02, ông lại tách viên lớn hơn ra làm hai. Tách xong, viên Cullinan cho ra 9 viên lớn, 96 viên nhỏ và 9,5 ct mảnh vụn không mài được.

Text Box: Hình 6: Búa gõ và dao dùng để tách viên kim cương thô, dao đặt nằm trên 2 mô hình viên Cullinan. Hình của Alan Jobbins. Đến khi mài, ông giao cho nhóm đồng nghiệp, chịu trách nhiệm chính là Henri Koe, người thợ có 20 năm kinh nghiệm. Ngày 02-03-1908 bắt đầu mài Viên Cullinan I , và 29-03 mài viên Cullinan II. Với 3 thợ mài, làm việc 14 giờ mỗi ngày.

Hơn 6 tháng sau, vào ngày 12-09-1908 mài xong viên Cullinan I. Tất cả các viên còn lại được mài hoàn tất vào đầu tháng 11. Ngày 21-11, hai viên Cullinan I (trọng lượng sau khi mài là 530,2 ct) và Cullinan II (317,4 ct) được đem tặng cho vua Edward VII tại lâu đài Windsor. Vị vua bèn đặt tên cho viên kim cương lớn hơn là Ngôi Sao Vĩ Đại Châu Phi (Great Star of Africa), mặc dù vậy danh xưng Cullinan vẫn lưu truyền mãi về sau.

Hai viên Cullinan I và Cullinan II vẫn thuộc về vương quốc Anh. Còn 96 viên nhỏ (không có 9 viên lớn) dành để trả công mài cho ông Asscher. Vua Edward mua viên Cullinan VI cho hoàng hậu Alexandra. Năm 1910, người dân Nam Phi mua 6 viên chính khác làm quà tặng cho hoàng hậu Mary (bà là con dâu vua Edward và say mê sưu tập nữ trang) vào đúng năm chồng bà lên ngôi vua nước Anh với tước hiệu Goerge V. Cháu nội của bà hiện nay là nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.

 

9 viên kim cương Cullinan thành phẩm chính (xem hình 7)

Cullinan I (còn có tên Great Star of Africa): Nặng 530,20 ct, hình giọt nước, hiện được gắn trong Vương Trượng Hoàng Gia có Thánh giá, trưng bày ở Tháp Luân Đôn.

Cullinan II (cũng có tên Lesser Star of Africa): Nặng 317,40 ct, hình nệm, giác cúc, gắn trong Vương Miện Hoàng Gia, trưng bày ở Tháp Luân Đôn.

Cullinan III: Hình giọt nước, nặng 94,40 ct, gắn trong một cài áo cùng với viên Cullinan IV. Cài áo này hiện thuộc bộ sưu tập riêng của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Vào năm 1911, chúng đã từng được gắn trong vương miện của hoàng hậu Mary, nhưng sau đó bà đã tháo chúng ra và thay bằng các viên đá khác.

Cullinan IV (cũng có tên là Granny’s Chips): Là viên 63,60 ct mài giác cúc, hình vuông, gắn chung nữ trang với viên Cullinan III.

Text Box: Hình 7: Đây là mô hình 9 viên Cullinan thành phẩm chính, cắt mài từ viên Cullinan thô 3.106 ct. Từ trái qua phải, hàng trên: II, I và III; hàng dưới: VIII, VI, IV, V, VII và IX. Hình của DTC. Cullinan V: Viên hình trái tim 18,80 ct, gắn trong cài áo của hoàng hậu Mary, nay thuộc nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.

Cullinan VI: Viên hình hạt dưa 11,50 ct, là quà của vua Edward VII tặng cho hoàng hậu Alexandra, nay được gắn trên vòng cổ kim cương và emerald của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.

Cullinan VII: Viên hình hạt dưa 8,80 ct, gắn trong một mề đay cùng với viên Cullinan VIII, bây giờ thuộc nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.

Cullinan VIII: Viên hình nệm biến thể 6,80 ct, được gắn chung với viên Cullinan VII.

Cullinan IX: Viên hình giọt nước 4,39 ct gắn trên nhẫn của hoàng hậu Mary, nay thuộc về nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.

Như vậy trong 9 viên lớn ở trên, 2 viên lớn nhất Cullinan I và II nằm trong số châu báu của vương quốc Anh, còn 7 viên thuộc tài sản riêng của nữ hoàng Anh. 96 viên nhỏ thành phẩm, tổng trọng lượng 7,55 ct được Asscher bán cho nhiều khách hàng. Tướng Louis Botha, lúc ấy là thủ thướng Nam Phi mua 2 viên. Arthur và Alexander là hai nhà buôn kim cương thành Luân Đôn được chọn để giám sát quá trình cắt mài nhận được một số viên.

 

Chất lượng các viên Cullinan I và II

Một nhóm nhà ngọc học trên thế giới, được sự chấp thuận của hoàng gia Anh đã nghiên cứu chi tiết chất lượng hai viên Cullinan I và II trong tháng 2 mỗi năm từ 1986 đến 1989. Về màu sắc, các viên kim cương đạt cấp cao nhất là màu D trong dãy không màu. Về độ sạch, cả hai viên Cullinan cực kỳ trong suốt, chỉ có các tạp chất nhỏ sát với bề mặt so với kích thước quá lớn của chúng. Nếu được sửa (mài và đánh bóng lại), các tạp chất sát bề mặt này dễ dàng bị mất đi, và độ sạch của hai viên đá có thể tăng lên đến IF, nghĩa là không có tạp chất bên trong.

Text Box: Hình 8: So sánh về kích thước giữa 2 viên Cullinan I và II với viên kim cương tròn giác cúc nặng 1 ct nằm ở trên, ta thấy chúng quá lớn!. Hình A. Jobbins. Như vậy hai viên Cullinan thuộc tài sản vương quốc Anh là những viên kim cương có kích thước cực lớn (hình 8) và có chất lượng cực cao, như thế thì cực kỳ hiếm và giá trị thì thuộc loại vô giá.

 

 

 

 

 

 

Trưng bày châu báu của hoàng gia Anh.

Những châu báu thuộc tài sản của hoàng gia Anh, nghĩa là tài sản của vương quốc Anh thì không phải của riêng nữ hoàng. Hai viên Cullinan lớn nhất I và II được gắn trong hai món châu báu quý giá nhất của hoàng gia Anh, đó là vương trượng và vương miện. Chúng dùng làm biểu tượng cho vua hay nữ hoàng, khi truyền ngôi thì hai châu báu này sẽ được trao lại cho vua hay nữ hoàng mới lên ngôi. Hai viên đá này có ổ hột riêng bằng vàng, có thể gắn và tháo rời 2 ổ hột này ra khỏi vương trượng và vương miện. 

Tất cả châu báu hoàng gia Anh được cất giữ và trưng bày tại Nhà Châu Báu trong Tháp Luân Đôn nổi tiếng. Nhà Châu báu thường xuyên mở cửa để công chúng đến chiêm ngưỡng. Tháng hai hàng năm nó đóng cửa một lần để các nghệ nhân vào làm sạch hay sửa chữa các món châu báu này.

Hình 9: Hình bên là 2 vật biểu trưng quyền lực của Hoàng Gia Anh. Bên trái là Vương Trượng có Thập Giá, phần vành vàng trái tim gắn viên Cullinan I. Bên phải là Vương Miện, gần vành dưới gắn viên Cullinan II. Cả hai viên đều có đế bằng vàng riêng, có thể gắn và tháo rời khỏi 2 châu báu trên dễ dàng. Hình Hoàng Gia Anh.