Bản tin tháng 12/2007

T T T 2008 T T T

¬¬¬ Merry Christmas & Happy New Year ¬¬¬

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các loại đá thạch anh ở thị trường Việt Nam

Thị trường đá quý thường phân chia một đá quý nào đó thành nhiều loại để dễ mua bán. Trường hợp thạch anh cũng thế, thị trường chia nó thành nhiều loại và dùng các tên thương mại để gọi chúng. Thạch anh được phân loại dựa theo màu, theo hiệu ứng, độ trong và mức độ kết tinh… Thạch anh xuất hiện trên thị trường Việt Nam đã lâu, với nhiều loại đá và sản phẩm. Việt Nam có nguồn thạch anh dồi dào, tuy nhiên hầu hết là thạch anh dạng khối đặc sít màu trắng, xám, vàng nhạt và hồng nhạt; dạng tinh thể trong suốt thường có màu ám khói, số ít thì vàng nhạt và tím nhạt... Hoạt động khai thác thạch anh vẫn còn hạn chế và thủ công. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm chế tác đá quý của Việt Nam. Tại đây, thạch anh thường được chạm trổ thành tượng và mề đay, hạt tròn nhỏ và lớn; loại có màu, trong suốt thì được mài giác. Các đá thạch anh có màu đẹp và hiệu ứng lạ thì đa số là nhập khẩu. Các nhà phân phối nhập đá thạch anh mài giác hoặc đá thô để chế tác, thường là các loại thạch anh tím, vàng, lục, mắt cọp, sao… Có nhiều loại thạch anh, nhưng chúng tôi chỉ liệt kê các loại thường gặp ở Việt Nam như sau:

Dựa vào màu & độ trong suốt:

Hình 1: Trái: Tinh thể thạch anh, phần phía trên trong suốt, không màu gọi là thạch anh pha lê. Phải: Viên thạch anh màu ám khói mài giác. Thạch anh ám khói có rất nhiều, nhưng vì màu không đẹp nên ít được ưa thích. Hình của Gem & Mineral Miner Inc.

  • Thạch anh pha lê (rock crystal): Đá thạch anh trong suốt, không màu, nhìn rất giống như thủy tinh pha lê (hình 1, trái, phần tinh thể phía trên cùng). Đây là loại thạch anh gần như tinh khiết vì không có nguyên tố tạp chất tạo màu. Các tinh thể có dáng đẹp thì ít được mài giác, mà chủ yếu để bán cho người sưu tập. Thạch anh pha lê vì ánh thủy tinh và không màu nên các viên đá mài giác không được hấp dẫn lắm. Những tinh thể hình dạng xấu thì dùng để chạm khắc, mài giác, hạt tròn, mề đay…

Nên nhớ, chỉ gọi là thạch anh pha lê khi nào đá trong suốt và không màu, như vậy phần đục màu trắng ở đoạn dưới tinh thể trong hình 1 thì không thể gọi tên này. Một tinh thể hay một mẫu đá thô, người ta chỉ chọn phần nào có chất lượng quý (có thể là trong suốt, màu đẹp hoặc có hiệu ứng đặc biệt nào đó…) để định giá trị. Phần xấu thì bỏ đi hoặc sử dụng vào mục đích khác.

  • Thạch anh ám khói (smoky quartz): Đá trong suốt, có màu nâu nhạt đến đậm, nhìn giống như màu ám khói (hình 1, phải); đôi khi đá có màu đen, chắn sáng. Tinh thể lớn thường dùng làm tượng. Các đá nhỏ được mài hạt tròn. Chỉ một số ít mài giác hay cabochon.
  • Thạch anh tím (amethyst): Đá màu tím phớt xanh đến tím và tím phớt đỏ, trong suốt (hình 2, trái), có nhiều và được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Chủ yếu mài giác với đá trong, mài hạt tròn hay cabochon nếu đá có nhiều tạp chất.

Hình 2: Trái: ổ thạch anh tím. Giữa: ổ thạch anh vàng. Phải: viên thạch anh màu lục mài giác. Hình của Giám định Rồng Vàng SJC (GĐRV SJC).

  • Thạch anh vàng (citrine): Thạch anh màu vàng đến cam và cam phớt nâu, trong suốt (hình 2, giữa), có nhiều và được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Chủ yếu mài giác với đá trong, mài hạt tròn hay cabochon nếu đá có nhiều tạp chất.
  • Thạch anh lục (praseolite): Thạch anh màu lục đến lục phớt vàng, trong suốt (hình 2, phải). Mới thâm nhập thị trường Việt Nam, chưa xuất hiện nhiều. Chủ yếu là đá mài giác.

Hình 3: Viên đá cabochon hình giọt nước là thạch anh hồng  trong mờ, có màu rất nhạt.  Hình của GĐRV SJC.

  • Thạch anh hồng (rose quartz): Màu hồng từ rất nhạt đến vừa, nửa trong suốt đến trong mờ và đục (hình 3). Loại trong hơn được mài dạng cabochon, loại đục mài hạt tròn và chạm khắc. Thạch anh hồng cũng có ở nước ta nhưng loại đẹp không nhiều.

Hình 4: Tinh thể trong hình là đá thạch anh sữa, màu trắng đục. Hình của Gem & Mineral Miner Inc.

  • Thạch anh sữa (milky quartz): Đá trong mờ đến đục, màu trắng đến xám rất nhạt (hình 4); đôi khi đá bán trong và có sắc phớt xanh. Đa số được chạm trỗ, mài hạt hoặc cabochon. Loại này có nhiều nhưng ít được ưa thích.

Dựa vào hiệu ứng:

  • Thạch anh sao (star quartz): Là một loại thạch anh màu phớt hồng, hồng có hiệu ứng sao trên bề mặt mo tròn theo dạng cabochon (hình 5, trái). Hiệu ứng sao hiếm khi hiện diện ở thạch anh; nếu có thì độ nét sắc sảo của sao ở đá thạch anh không bằng ở nhóm đá corundum (ruby, saphia).

    Hình 5: Trái: Viên thạch anh cabochon màu phớt hồng, hình tròn, có sao 6 cánh nhẹ. Phải: các viên đá mắt cọp có các dãy sợi màu đặc trưng. Hình của GĐRV SJC.

 

 

  • Đá mắt cọp (tiger’s-eye): Đây là loại thạch anh đặc biệt vì kiểu kết tinh của chúng rất độc đáo. Khi kết tinh, thạch anh thay thế khoáng crocidolite (là một loại amphibon) và giữ nguyên hình dạng sợi của khoáng này. Đá mắt cọp từ bán trong đến chắn sáng, dạng sợi vi tinh, phân thành những dãy màu đậm nhạt khác nhau. Đá màu vàng phớt nâu đến nâu và nâu phớt đỏ; một số màu lục đến vàng phớt lục và xanh phớt xám. Đá ngời sáng bề mặt theo từng dãy và sợi và có dáng vẻ giống như mắt cọp. Hiệu ứng mắt cọp luôn có trên bề mặt đá và rất đặc trưng dù đá được mài dạng mặt phẳng.

Một số thay đổi nhỏ trong cấu trúc và màu sắc, đá này có thể thành đá tên khác như đá mặt cọp vằn (zebra tiger’s-eye), thạch anh mắt mèo (cat’s-eye quartz), đá mắt diều hâu (hawk’s-eye).   

Đá mắt cọp rất phổ biến ở thị trường Việt Nam. Chúng thường được bán với dạng chuỗi hạt tròn, hạt đa giác phẳng, viên rời mặt hơi dẹt hay cabochon.

Vẫn còn một số loại đá thạch anh nữa, tuy nhiên chúng tôi chỉ đề cập các thứ phổ biến ở thị trường Việt Nam để quý khách biết mà lựa chọn theo sở thích và gọi tên cho đúng.

 

Khó xác định saphia tổng hợp khi không thấy tạp chất

Hình 6: 3 viên đá trên đều là saphia tổng hợp ở thị trường Việt Nam, nhìn vẻ ngoài khó biết là thật hay giả. Hình của GĐRV SJC.

Tháng 11/2007 Cty TNHH Giám Định Rồng Vàng SJC nhận một lô đá nhiều màu để giám định với sự mong muốn của khách hàng là saphia tự nhiên.

Nhiều viên được xác định là saphia tự nhiên. Tuy nhiên trong số đó có 3 viên đá rất trong, thấy hoàn toàn sạch dưới mắt thường, chưa phát hiện được đặc điểm của đá tự nhiên. 3 viên đá này hình ovan, mài giác, mỗi viên nặng khoảng 3 carat. Một viên màu vàng phớt cam, viên màu cam đỏ và viên màu xanh xám không đều với phần giữa nhạt hơn xung quanh (hình 6).

Tính chất vật lý và quang học của 3 viên đá đều tương đương saphia, tuy nhiên chưa thể xác định thật hay giả. 3 viên đá đều dị hướng quang học và xoay màu. Chúng không phản ứng với cực tia tím sóng dài và ngắn. Quan sát dưới phóng đại thấy đá rất sạch, hầu như không thấy tạp chất với độ phóng đại nhỏ. Một viên có sọc của đá nhân tạo rất rõ. Hai viên còn lại phải được quan sát với độ phóng đại lớn hơn, chúng tôi phát hiện một số bọt khí nhỏ nằm rải rác ở những vị trí sát gờ và rất khó thấy. Với các đặc điểm bên trong 3 viên đá, chúng tôi xác định tất cả chúng là đá saphia tổng hợp (đá nhân tạo giống hệt tự nhiên).

Đá saphia tổng hợp không còn lạ đối với thị trường Việt Nam, tuy nhiên để xác định được chúng không phải là dễ. Nhất là những viên đá quá sạch, nghĩa là không tìm thấy bao thể dưới phóng đại nhiều lần thì việc xác định chúng sẽ hết sức khó khăn dù với chuyên viên giám định nhiều kinh nghiệm. Với những thiết bị giám định cơ bản đôi khi không thể kết luận được với những trường hợp như thế, khi ấy các thiết bị giám định cao cấp lại hết sức cần thiết.

 

Opal tổng hợp rất đẹp ở thị trường Việt Nam

Hình 7: Trái: : Trên cùng là viên opal tổng hợp ghép, 3 viên bên dưới là opal tự nhiên ghép. Phải: Hai viên opal tổng hợp ghép, viên bên trái 4,2 ct (17x11 mm), viên bên phải 3,8 ct (11x10 mm), đây là viên nằm trên cùng ở hình bên trái. Chú ý hiệu ứng lóe màu sặc sỡ ở 2 viên opal tổng hợp khác hẳn đá tự nhiên. Hình của GĐRV SJC.

Đây cũng là trường hợp tương tự như sự việc trên nhưng với loại đá khác: đó là opal tự nhiên và tổng hợp. Đầu tháng 12/2007 Cty Giám Định Rồng Vàng SJC nhận 5 viên đá (hình 7) với yêu cầu giám định là opal tự nhiên.

Các viên đá đều dẹp, hình giọt nước. Toàn bộ chúng đều có dạng 2 lớp ghép lại. Lớp dưới là đá đặc sít, màu nâu đến nâu đen. Lớp trên là opal (chưa biết nhân tạo hay tự nhiên), tất cả đều có hiệu ứng lóe màu sặc sỡ trên bề mặt. Lớp opal vì quá mỏng nên đã được dán bằng keo với một lớp đáy sẫm màu để tăng hiệu ứng lóe màu và bảo vệ opal.

Các tính chất vật lý, quang học đo được khẳng định cả 5 viên đá ghép với phần trên đều là opal.

Nhìn thoáng ban đầu, chúng tôi cảm nhận 2 viên có hiệu ứng lóe màu sặc sỡ hơi bất thường. Kiểm tra chi tiết, chúng tôi xác định 3 viên kia là opal tự nhiên được ghép, còn 2 viên trong hình 7 bên phải là opal tổng hợp (đá nhân tạo) được ghép.

Hai viên đá ở hình 7 bên phải rất đẹp, cả hai viên đều được mài kiểu cabochon hình giọt nước và đều là đá ghép đôi, phần trên là opal và dưới là lớp sẫm màu. Viên màu xanh sẫm nặng 4,2 ct, viên nhỏ màu sặc sỡ nặng 3,8 ct. Ấn tượng ban đầu của 2 viên đá làm chúng tôi nghi ngờ chúng không phải tự nhiên là vì sự lóe màu sặc sỡ của chúng quá mạnh và các đốm màu quá to. Hai tính chất này không thể kết luận là opal tổng hợp, mà chỉ là dấu hiệu nghi ngờ. Với tia cực tím, viên màu xanh sẫm không phản ứng hay phản ứng rất nhẹ, viên nhỏ thì phát quang mạnh do được phủ lớp nhựa cực mỏng trên bề mặt.

Quan sát dưới phóng đại thấy ranh giới các đốm màu rất rõ dù nhìn theo những phương khác nhau. Ranh giới các đốm màu tạo nên một mạng lưới gồm nhiều ô nhỏ, tính chất này không hề có ở đá tự nhiên. Qua đó Cty GĐRV SJC kết luận có 2 viên (hình 7, phải) là opal tổng hợp ghép và 3 viên kia là opal tự nhiên ghép.

 

Khai thác tourmaline ở Nandihizana, Madagascar

Hình 8: Các viên tourmaline này được khai thác từ khu vực gọi là Trại Robin ở Madagascar. Viên màu hồng tím nặng 4,75 ct. Hình của F. Danet.

Madagascar, quốc gia nằm ở phía đông Châu Phi là một đảo rất lớn. Nó là nguồn của nhiều đá quý nổi tiếng trên thế giới, tourmaline cũng có rất nhiều ở đảo này.

Vào tháng 10 năm 2005, một mỏ tourmaline mới (hình 8) được khai thác ở Nandihizana thuộc tỉnh Antananarivo, thuộc miền trung đảo Madagascar. Mỏ này nằm trong khu vực trước kia gọi là Trại Robin, là nơi có một số mỏ tourmaline đã và đang khai thác vài năm vừa qua.

Hoạt động khai thác mỏ ở khu vực trên rất nhộn nhịp, khoảng 5.000 thợ mỏ và người mua bán đá tràn về đây (hình 9, trái), sống chen chúc trong các lều và nhà tạm bợ. Chính quyền địa phương cố gắng kiểm soát dòng người đổ vào, nhưng dường như là bất lực. Họ không thể biết được chính xác bao nhiêu đá quý đã được khai thác và mang đi.

Tourmaline được tìm kiếm trong đất đá bở rời và trong các đá pegmatit granit bên dưới lòng đất, theo phương bắc nam và gần dốc đứng (hình 9, phải). Pegmatit chứa các khoáng fenpat pectic màu trắng, nhiều amazonit màu lục, thạch anh, một lượng nhỏ tourmaline đen, lepidolit và danburit màu vàng.

Hình 9: Trái: Toàn cảnh vùng mỏ Nandihizana nhộn nhịp. Phải: Thợ mỏ phải làm việc vất vả và nguy hiểm chỉ với phương tiện thủ công trên các vách đất đá dốc đứng để khai thác tourmaline trong các đá pegmatit nguyên sinh. Hình của F. Danet.

Tourmaline trong pegmatit ở khu vực này có nhiều màu như vàng, lục nhạt, lục oliu, đỏ dâu, và đỏ phớt tím… Rất tiếc là phần lớn tourmaline ở đây có nhiều tạp chất, và hiếm khi có các tinh thể hình dáng đẹp. Dù vậy, nhu cầu vẫn cao ngay tại Madagascar đối với tất cả các loại tourmaline chất lượng khác nhau. Các đá xấu dùng làm vật liệu chạm khắc, một số ít đá đẹp được mài giác (hình 8).

Sản lượng tại Nandihizana giảm sút dần vì đã khai thác quá mức và không có kiểm soát. Có mỏ một tháng khai thác được vài trăm kí lô tourmaline nếu gặp trúng ổ pegmatit có chứa tourmaline, còn mỏ khác đôi khi không được như thế….

 

Đá uvite màu lục ở Afghanistan

Tạp chí Gems & Gemmology số mùa đông 2002 đã đề cập đến một số mẫu uvite (một loại tourmaline) màu cam phớt nâu từ Afghanistan mà ông Hasmi đã cho Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) mượn để nghiên cứu. Mới đây ông này lại cho GIA mượn tiếp một số mẫu tourmaline màu lục xuất xứ ở Afghanistan (hình 10). Ông Hasmi cho biết đã mua các mẫu này giữa năm 2006 khi đến Peshawa, Pakistan. 

Hình 10: Các tinh thể tourmaline màu lục này (6,45-14,25 mm) xuất xứ ở Afghanistan. Chúng có màu lục chủ yếu là do nguyên tố vết vanadi và phụ là crôm. Hình của C. D. Mengason.

Các tính chất ngọc học của các mẫu tourmaline lục hình 10: đá có màu lục vừa đến sẫm, một số có màu sẫm hơn ở chóp tinh thể do các đới màu song song với các mặt chóp; xoay màu từ xanh phớt lục vừa-đến-mạnh và vàng phớt lục; độ trong từ trong suốt đến trong mờ; tỷ trọng 3,04; dưới kính Chelsea thấy màu đỏ từ vừa đến mạnh; trơ với tia cực tím sóng dài, với sóng ngắn thì có màu vàng cam phấn dạng đốm từ yếu đến vừa. Khảo sát dưới kính hiển vi thấy có một số mặt nứt lấp đầy; các bao thể tinh thể dẹp, độ nổi thấp; các bao thể hai pha gồm chất lỏng và chất rắn màu đen, hoặc chất lỏng với tinh thể dị hướng; các bao thể 3 pha. Hai tinh thể có mây; một tinh thể có các bao thể nhỏ màu nâu nhạt, độ nổi thấp.

Phân tích phổ Huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) cho thấy chủ yếu là Si, Al và Mg; các nguyên tố vết  Ca, Sr, V, Cr và Ti; có thể có vết của Na, Ga và Fe. Do sự hiện diện của Mg và một số Ca, dẫn đến kết luận các đá tourmaline màu lục ở Afghanistan này là loại uvite.

Với thiết bị giám định thông thường khó có thể kết luận chính xác là loại tourmaline gì, muốn kết luận chính xác lại phải cần đến các máy phân tích cao cấp.