Bản tin tháng 12/2008

“Công ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC

kính chúc Quý khách hàng một mùa Giáng Sinh

an lành, hạnh phúc và vui tươi,

một Năm mới nhiều ước nguyện thành sự thật

và kinh doanh hết sức tốt đẹp.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Kim cương “Forevermark” của De Beers

Đầu tháng 12, công ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC (GĐRV SJC) nhận giám định một lô kim cương từ 4,5 trở lên, tất cả đã được phân cấp bởi Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (GIA) trước đó.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy có một số viên khác thường. Đó là khi quan sát với phóng đại, thấy hiện lên một logo và một dãy số (gọi chung là vết khắc) ở vùng nằm giữa mặt bàn của những viên này (hình 1 và 2). Điều đặc biệt là chúng không nằm trên mặt bàn mà nằm sát ngay dưới mặt bàn. Bề mặt các viên đá có vết khắc vẫn trơn láng, không có dấu hiệu lõm vào. Vết khắc này khác hẵn những vết khắc ở gờ mà chúng ta thường gặp, các vết khắc thế hệ cũ thường lõm (tạo rãnh). Còn những vết khắc mới này rất khó nhìn thấy dưới phóng đại 10 x, muốn thấy rõ hơn phải phóng đại cao hơn và xem dưới ánh sáng phản chiếu. Chúng không có rãnh, cũng không có vết cháy màu đen, mà là những vết hết sức tinh vi, có độ tương phản nền rất thấp, chỉ khác biệt với đá vây quanh bằng độ sắc hơi đậm hơn một chút. Chúng tôi nghĩ đến một công nghệ khắc la-de kiểu mới, nhưng chưa thể biết được.

Hình 1: Viên kim cương 4,5 mm có vết khắc logo Forevermark và mã số viên đá “DTC 5077370” là do tập đoàn De Beers cắt mài, phân cấp và bán ra. Chú ý, logo Forevermark nằm ở tâm và sát bên dưới bề mặt của mặt bàn. Theo De Beers, nhưng viên nào có vết khắc này, đều gọi là kim cương “Forevermark” là những viên có chất lượng tốt nhất và cắt mài đẹp. Phải phóng đại khoảng hơn 10 lần mới thấy vết khắc được. Hình của GĐRV SJC.

Chúng tôi xem qua giấy phân cấp của GIA đối với những viên có khắc này thì thấy ghi ở phần chú thích là khắc logo Forevermark. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết những viên có khắc kiểu mới này xuất xứ từ tập đoàn De Beers. Đã từ lâu, De Beers đã tung ra khẩu hiệu tiếp thị “Kim cương là vĩnh cửu – Diamond is Forever”, ý nói là kim cương sẽ bền vững vĩnh viễn, là một khẩu hiệu đã kích thích mọi người tiêu thụ mạnh kim cương.

Vài thập niên gần đây, De Beers thay đổi phần nào cách thức kinh doanh kim cương. Trước kia De Beers chỉ bán sỉ kim cương thô cho các đại lý, còn bây giờ De Beers tham gia thêm việc bán nữ trang và kim cương thành phẩm trực tiếp với mọi người. Họ vẫn dùng từ “Forever” và ghép nó với “mark” để tạo một tên mới “Forevermark”, để chỉ các viên kim cương có khắc logo biểu hiện sự vĩnh cửu. Theo De Beers, kim cương Forevermark là những viên đá đẹp, chất lượng cao, cắt mài chuẩn; còn nữ trang của De Beers sản xuất có gắn kim cương đặc biệt này thì gọi là nữ trang Forevermark. Đây là một kiểu kinh doanh mới đối với De Beers, nhằm kích thích người tiêu dùng lại đổ xô vào mua kim cương thành phẩm và nữ trang riêng của họ.

Hình 2: Với thiết bị của De Beers (phải) được trang bị ở các cửa hàng nữ trang của họ thì sẽ nhìn thấy dễ dàng hơn vết khắc logo Forevermark nằm ngay tâm viên đá và bên dưới là dòng mã số (trái). Hình của De Beers.

Thông tin của De Beers nói về kim cương Forevermark:

“Đây là một điều bí mật chỉ rất ít người biết. Logo Forevermark và mã số viên đá không thể nhìn thấy, được khắc ngay tâm của mỗi viên kim cương Forevermark. 

Quy trình khắc cũng là một bí mật nữa, sử dụng công nghệ do tập đoàn De Beers phát triển và được cấp bằng sáng chế. Vết khắc nằm ở độ sâu 1/20 micron (1 mm = 103 micron), nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà chỉ có thể thấy được bằng thiết bị xem đặc biệt ở các cửa hàng kim hoàn Forevermark. Vết khắc Forevermark không hề ảnh hưởng đến chất lượng bên trong của viên kim cương.

Vết khắc chứng minh mỗi viên kim cương đã đạt các chuẩn Forevermark: chuẩn về chất lượng và sự trung thực; mã số viên đá luôn là duy nhất đối với người sở hữu.

Mỗi viên kim cương Forevermark đều có giấy giám định riêng và mang mã số duy nhất”.

Chúng tôi (GĐRV SJC), với tư cách là những chuyên viên phân cấp kim cương, đánh giá vết khắc Forevermark không làm hạ thấp cấp độ sạch vì chúng cực kỳ khó thấy dưới phóng đại 10x. Về mặt thẩm mỹ thì chúng tôi thấy hơi tiếc là các vết khắc lại chiếm ngay trung tâm viên đá, chỉ gây sự tò mò, chứ không làm đẹp viên đá đẹp hơn. Chúng tôi nghĩ, tốt nhất De Beers vẫn nên khắc ở phạm vi gờ.

 

Beryl màu cam ở Ấn Độ

Ở triển lãm đá quý Tucson 2008, Cameron MacGowan và Willie Neilson (thuộc công ty Crystalline Dream ở Lake Ohau New Zealand) giới thiệu một số beryl màu cam đậm. Họ mua được vài mẫu đá mài giác của loại beryl này (hình 3) từ một người bán đá quý địa phương khi họ qua Ấn Độ năm 2007. Người bán đá cho biết các đá này có màu tự nhiên và chúng xuất xứ từ miền trung Ấn Độ.

Hình 3: Các viên beryl màu cam phớt vàng này (10,31-11,47 ct) có xuất xứ từ Ấn Độ. Hình của Robert Weldon.

 

 

 

 

  Các đặc điểm ngọc học của một viên hình nệm giác tầng 4,47 ct đã xác định được: đá màu cam phớt nâu; xoay màu từ vàng phớt nâu yếu đến vàng-cam; từ bán trong đến trong mờ; chiết suất 1,587-1,580; lưỡng chiết suất 0,007; tỷ trọng 2,72; không thay đổi với kính Chelsea; không phát huỳnh quang cực tím (UV) sóng dài và ngắn. Các đặc tính này phù hợp với đá beryl  đã được M. O’Donoghue mô tả năm 2006.

Khảo sát dưới kính hiển vi thấy có nhiều kim nhỏ và các vảy (có thể là hematite) màu cam phớt nâu phớt đỏ khi chúng ở kích thước lớn (hình 4, trái), nhiều bao thể 2 pha, bao thể 3 pha chứa chất rắn màu tối (hình 4, phải), vân tay, các ống tăng trưởng mảnh song song với trục c. Vài bao thể 2 và 3 pha bị vây quanh bởi các vành mỏng màu trắng. Viên đá cũng có bằng chứng xử lý cải thiện độ trong (khe nứt chứa bọt khí dẹp, chứng tỏ có chất lấp đầy).

Hình 4: Các kim và tấm nhỏ màu cam phớt nâu đỏ (có thể là hematite) đã góp phần tạo màu cho viên beryl (trái). Đá chứa các bao thể 2 và 3 pha. Bao thể 3 pha trong hình (phải) gồm bọt khí, chất lỏng và chất rắn sẫm màu. Hình của E. Q. Darenius; phóng đại 65x (trái) và 75x (phải).

 

 

 

  Phổ UV-Vis-NIR (Cực tím-Thấy được-Gần hồng ngoại) cho hấp thu ở 450 nm, một đỉnh nhọn ở 455 nm, một dãy nhô yếu ngay chân của hấp thu ở ~505 nm, và một dãy rộng yếu có tâm ở ~835 nm. Màu cam phớt nâu đậm bất thường của viên đá có thể là do sự phối hợp của màu thân cam-vàng của nó (là kết quả của sự trao đổi điện tích O2- à Fe3+) bằng chứng là dãy hấp thu 455 nm và sự có mặt quá nhiều các bao thể màu cam phớt nâu phớt đỏ. (Theo Elizabeth Quinn Darenius, GemNews Hè 2008)

 

 

Đá clinochlore giàu crôm (kämmererite) ở Thổ Nhĩ Kỳ

Clinochlore – (Mg,Fe2+)5Al(Si3Al)O10(OH)8 – là thành viên của nhóm đá chlorite. Tên đá có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp gồm chữ klino (nghĩa là “nghiêng”), nói về hình dạng tinh thể đơn nghiêng của nó, ghép với chữ chloros (nghĩa là “màu lục”), liên quan đến màu phổ biến của nó (J. W. Anthony, 1995). Các màu của clinochlore đã được đề cập trong những tài liệu khác gồm vàng, trắng, đỏ đến đỏ tím là loại giàu crôm thường được gọi là kämmererite. Vì clinochlore có độ cứng quá thấp (2-2,5) và dễ cát khai nên nó không phù hợp dùng làm đá quý nữ trang, nhưng các tinh thể của nó có thể được mua để làm bộ sưu tập mẫu hiếm.

Hình 5: Clinochlore giàu Cr thường được gọi là kämmererite, hiếm khi thấy ở dạng mài giác như trong hình ( 2 viên 0,92 và 0,52 ct). Hình của Robert Weldon.

 Mới đây, Alexandra Woodmansee ở công ty Rock Logic (Glencoe, Minnesota) cho GIA mượn 2 mẫu mài giác (một viên ovan 0,92 ct và viên chữ nhật vạt góc 0,52 ct, xem hình 5) của đá clinochlore xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi các đá clinochlore giàu Cr đã được đề cập ở Mỹ (Calofornia, Bắc Carolina, Pennsylvania) và ở Nga (núi Ural), còn nguồn nổi tiếng nhất thì lại ở núi Kop phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Khảo sát hai viên đá cho các đặc tính sau: màu đỏ phớt tím sẫm vừa; chiết suất 1,588-1,580; tỷ trọng 2,65-2,67; không phản ứng với cả hai tia UV sóng dài và ngắn; dưới kính Chelsea có màu hồng; dãy hấp thu dưới 440 nm và từ 500-590 nm ở kính phổ để bàn. Khảo sát dưới phóng đại thấy nhiều khe nứt và cát khai, các bao thể tinh thể, kim, mây. Bề mặt hai viên đá biểu hiện độ bóng thấp, nhiều trầy sướt và rãnh do độ cứng thấp.

Các đặc tính vật lý này phù hợp với đá clinochlore giàu Cr được mô tả bởi M. O’Donoghue, 2006, chỉ hơi khác về tỷ trọng, theo O’Donoghue là 2,60-2,64. Phổ Raman ở 2 mẫu khẳng định chúng là kämmererite.

  Theo bà Woodmansee thì hai viên đá này được mài từ các đá thô tồn kho. Theo bà, viên đá thành phẩm 0,92 ct là mẫu mài giác lớn nhất mà bà biết được, còn hầu hết đá thô thì nhỏ và không thể mài giác được. Vì mỏ đá này ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa vào năm 1991 do đá có giá bán quá thấp, nên những viên mài giác này chắc chắn thuộc loại cực hiếm. (Theo Karen M. Chadwick, GemNews Hè 2008)

 

Đá danburite vàng ở Tanzania

Hình 6: Pegmatit granit trong vùng Morogoro của Tanzania mới đây sản xuất được một lượng lớn danburite vàng. Hình của W. Radl.

Nhiều năm qua, đá danburite màu vàng chất lượng quý được biết đến đều có xuất xứ từ Myanmar và Madagascar (W. Wight, 1985). Mới đây, các đá quý danburite màu vàng đã được mô tả là có nguồn gốc từ Tanzania (tạp chí Rivista Gemmologica Italiana, 2007).

Tháng 1/2008, chúng tôi đã nghe tin về đá danburite Tanzania là từ Mark Kaufman (doanh nghiệp Kaufman, ở Sandiego California) và Werner Radl (công ty Mawingu Gems, ở Đức). Sau đó vào tháng 4/2008, ông Radl đã đến xem mỏ, nó nằm ở vùng Morogoro. Danburite được khai thác ít nhất từ hai thể pegmatit granit dốc đứng (hình 6) với các dụng cụ bằng tay và chất nổ. Các pegmatit này bị bao quanh bởi các đá hoa, đôi khi chứa fenpat K màu xanh-lục nhạt (amazonit) và tourmalin đen. Các pegmatit giống như thế đã từng được báo cáo là chứa thạch anh ám khói và thạch anh tím phớt xanh trong mờ, có màu là do nhiều vi bao thể.

Ông Kaufman cho GIA mượn các mẫu danburite màu vàng, gồm 2 mẫu đá thô để nghiên cứu (một mảnh vở 1,61 g và một tinh thể 12,68 g), 2 viên mài giác (1,88 và 7,14 ct) và 2 viên cabochon (8,22 và 19,41 ct) (hình 7). Ông Radl cho chúng tôi xem một số viên mài giác (hình 8) tại hội chợ đá quý Tucson trong tháng 2/2008, trong đó có viên ovan 22,48 ct; ông tặng cho GIA một tinh thể 4,37 ct. Cả hai tinh thể đề cập trên đều có dạng tấm và hợp tinh, tạo nên hình dạng giống như chiếc lá (hình 7).

 

 

 

 

Hình 7: Danburite vàng ở Tanzania thường chứa các ống tăng trưởng, như thấy ở viên cabochon mắt mèo (8,22 ct) và tinh thể song tinh (12,68 ct). Hình của Robert Weldon.

Hình 8: Danburite vàng trong suốt ở Tanzania đã được mài giác thành các viên đá quý rất đẹp (trong hình 2 viên 9,92 và 8,67 ct). Viên giọt nước có đới màu rõ (vàng và gần không màu). Hình của Robert Weldon.

Khảo sát các viên đá thành phẩm cho các đặc tính (khi có khác biệt, các giá trị của những viên cabochon được ghi trong dấu ngoặc đơn): đá màu vàng từ nhạt đến vừa, đến vàng phớt cam; không có tính đa sắc; chiết suất thấp 1,629-1,631, chiết suất cao 1,638 (chiết suất điểm 1,62); lưỡng chiết suất 0,007-0,009; tỷ trọng 3,01 (2,97 và 3,00); trơ với tia cực tím; không có phổ đặc trưng với kính phổ để bàn. Hầu hết các đặc điểm này phù hợp với những gì mà M. O’Donoghue, 2006, mô tả đá danburite. Tuy nhiên, có khác một chút, đó là O’Donoghue đề cập sự phát huỳnh quang màu xanh đến xanh-lục dưới UV sóng dài và vài viên có các vạch phổ hấp thu mảnh liên quan đến các nguyên tố đất hiếm. Wight,1985, cũng ghi nhận sự phát huỳnh quang màu xanh (và tím-xanh) ở danburite. Tính không phát huỳnh quang ở các mẫu danburite Tanzania mà chúng tôi khảo sát (dù phù hợp với phổ Raman) thì coi như hơi bất thường, dù chúng cũng giống với các đá ở Sri Lanka đã được mô tả trong Lab Note, mùa xuân 1986.  

Khảo sát phóng đại hai mẫu mài giác, thấy có các ống tăng trưởng dài, cong, mảnh (hình 9, trái), cùng với các “vân tay” chứa các bao thể lỏng góc cạnh và một số bao thể 2 pha. Các ống và vân tay này giống với mô tả về danburite ở Mogok Myanmar (GNI, hè 2007). Các viên cabochon cũng chứa các bao thể này và còn có một số khe nứt, mật độ các ống thì nhiều hơn, đã tạo nên hiệu ứng mắt mèo (hình 9 phải và 7).

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân tạo màu ở danburite màu vàng này. Phân tích phổ EDXRF (Huỳnh quang tia X phân tán năng lượng) 5 mẫu, thấy có sự hiện diện 2 nguyên tố chính là Si và Ca, lượng nhỏ Sr và nguyên tố vết là Fe và các nguyên tố đất hiếm (Ce và có thể La hay Pr). Phép đo phổ LA-ICP-MS (Khối lượng - Plasma kép cảm ứng – Bắn la-de) –được thực hiện trên 2 viên cabochon bởi tiến sĩ Andy H. Shen, khoa học gia của Phòng thí nghiệm GIA – xác nhận sự hiện diện của Sr (~450 ppm), Fe (~30 ppm), các nguyên tố đất hiếm nhẹ La (~350 ppm), Ce (~500 ppm), Pr (~30 ppm) và Nd (~60 ppm). Các đất hiếm nặng (Sm đến Lu) hiện diện rất thấp (<5 ppm) hay dưới giới hạn phát hiện của thiết bị. Phổ UV-Vis-NIR đo trên viên đá mài giác lớn, cho thấy một dãy hấp thu nhỏ từ ~564 đến 589 nm. Hấp thu này có đỉnh 585 nm, phù hợp với một vạch hấp thu đặc trưng của đất hiếm trong danburite ở Sri Lanka (Lab Note, xuân 1986).

Hình 9: Các ống tăng trưởng trong danburite Tanzania có thể bị cong, thường có dạng lưỡi câu (trái). Đá mắt mèo thì chứa rất nhiều ống tăng trưởng song song (phải). Hình của K. M. Chadwick; thị trường 4,4 mm.

Theo ông Radl, danburite Tanzania lần đầu được tìm thấy vào cuối năm 2006, nhưng đến cuối 2007 chỉ sản xuất được một lượng nhỏ. Đến hội chợ Tucson, tháng 2-2008, ông có được khoảng 1 tấn các loại chất lượng của vật liệu này, nhưng chỉ có không tới 5 kg đá chất lượng quý (0,5%). Từ lượng nhỏ này, ông mài giác được cỡ 200 ct, trong các đá sạch có viên đến 27,8 ct (nhưng chủ yếu < 10 ct). Cuối tháng 2-2008, nhà buôn đá quý Syed Ittikhar Hussain (công ty Syed ở Peshawar Pakistan) cho biết có được một lô đá thô danburite Tanzania, gồm 2,4 kg vật liệu mắt mèo và 1,6 kg đá thô mài giác được, và một viên đá mắt mèo đẹp đến 52 ct. Ông cho rằng có thể mài được những viên cabochon lớn hơn. (Theo Karen M. Chadwick và Brendan M. Laurs, GemNews Hè 2008)

 

Lawsonite ở Hạt Marin California

Khoáng lawsonite [CaAl2Si2O7(OH)2.(H2O)] được phát hiện lần đầu vào năm 1895 ở Tiburon Peninsula thuộc Hạt Marin California. Nó được đặt tên để vinh danh giáo sư C. Lawson ở Đại học California tại Berkeley. Lawsonite có trong các đá biến chất nhiệt độ thấp, áp suất cao trong các đới cắm sâu; đá có đặc điểm là đục, dễ vỡ và chứa nhiều tạp chất. Ở hội chợ đá Tucson 2008, Steve Perry ở công ty Steve Perry Gems (tại Davis California) đã cho chúng tôi xem nhiều mẫu đá lawsonite từ trong mờ đến bán trong. Ông lấy các đá này từ một bộ sưu tập khoáng vật cũ mà ông vừa mới mua được, gồm 320 kg mẫu đá lawsonite do một thợ cơ khí xây dựng cầu đường ở Tiburon Peninsula thu thập. Mặc dù không biết thời điểm thu thập các mẫu, nhưng giấy báo gói chúng được in năm 1953.   

Hình 10: Các viên lawsonite mài giác này (0,09-0,18 ct) là từ Hạt Marin California, được chọn để cho thấy các màu ở vật liệu này. Hình của Kevin Schumacher.

Hình 11: Viên cabochon lawsonite 0,43 ct này có hiệu ứng mắt mèo. Hình của Robert Weldon.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  Theo ông Perry, các mẫu gồm một nền đá phiến glaucophane có các hốc nhỏ chứa các tinh thể lawsonite, pyrit và kim rutin. Trong nền đá phiến còn có các khoáng khác như garnet nâu, chlorite và sphen đục. Từ một sưu tập các tinh thể lawsonite bể, ông Perry đã mài được 11 ct đá mài giác và 110 ct cabochon. Trong đó, khoảng 80% là màu hồng đào, 15% xanh phớt xám và 5% gần không màu; dưới 5% đá cabochon có hiệu ứng mắt mèo. Tổng thể, hầu hết  vật liệu thô đều trong mờ đến đục, số còn lại chưa tới 0,1% có chất lượng mài giác. Viên mài giác trong suốt lớn nhất chỉ nặng 0,40 ct.

Ông Perry đã cho GIA mượn vài mẫu đá lawsonite thô và  thành phẩm (5 viên mài giác và 1 viên cabochon mắt mèo, từ 0,09 đến 0,43 ct, hình 10 và 11) để kiểm tra. Các đặc điểm ngọc học thu được từ các viên mài giác: màu hồng nhạt, hay gần không màu đến xanh phớt xám; xoay màu mạnh, gồm màu hồng nhạt và gần không màu hay là xanh và gần không màu; chiết suất 1,664-1,687; lưỡng chiết suất 0,023; tỷ trọng 3,08-3,30; trơ với tia cực tím ở cả hai sóng dài và ngắn. Các đặc điểm này phù hợp với đá lawsonite mà R. Webster, 1994, đã đề cập. Dưới phóng đại, tất cả các mẫu lawsonite có chứa nhiều tinh thể, mây, khe nứt và vân tay. Cũng thấy có các mặt cát khai rõ. Một ít mẫu có các vùng bị mẻ và hốc, là do đá dễ bị vỡ. Đo phổ hấp thu UV-Vis, chỉ thấy một dãy rộng có tâm ở 450 nm. Cần phải đo những phổ khác và phân tích hóa mới có thể tìm được nguyên nhân tạo màu ở những đá này.

Đây là lần đầu tiên, Phòng lab của GIA mới nhìn thấy được các đá lawsonite mài thành phẩm này. Như vậy lawsonite cũng là một đá rất ít được dùng trong nữ trang vì chúng nhỏ đục và dễ vỡ khi mài giác.  (Theo kevin G. Nagle, GemNews Hè 2008)