CÁC VẬT LIỆU NHÁI HOẶC MÔ PHỎNG ĐÁ QUÝ (Bản tin tháng 01/2020)

GIỚI THIỆU CÁC VẬT LIỆU NHÁI HOẶC MÔ PHỎNG ĐÁ QUÝ

Placeholder Alt Text

Ngành kinh doanh trang sức sử dụng các thuật ngữ đặc biệt cho các loại đá quý được tạo ra từ nhà máy và trông giống đá quý: tổng hợp (synthetic) và mô phỏng/nhái/giả (simulant or imitation). Sự khác biệt giữa chúng là khó thấy, nhưng rất quan trọng. Thuật ngữ tổng hợp đề cập đến một vật liệu nhân tạo có bản chất cơ bản là giống về thành phần hóa học, cấu trúc tinh thể và tính chất vật lý và quang học như vật liệu đá quý tự nhiên. Cũng có những vật liệu chỉ là có vẻ trông giống như đá quý tự nhiên. Những sản phẩm này được gọi là nhái/giả hoặc mô phỏng và chúng có thể là tự nhiên hoặc nhân tạo. Thay thế (substitute) là thuật ngữ cũ cho loại vật liệu này.

MAN-MADE SIMULANTS – CÁC VẬT LIỆU NHÁI /GIẢ NHÂN TẠO

Synthetic spinel – Spinel tổng hợp thường được sử dụng làm vật liệu nhái/mô phỏng vì nó có thể bắt chước vẻ ngoài của nhiều loại đá quý tự nhiên khác nhau (như sapphire, zircon, aquamarine và peridot), tùy thuộc vào màu sắc của nó. Sự mô phỏng chính xác của nó với nhiều màu sắc khác nhau làm cho nó trở thành một lựa chọn phổ biến cho các món trang sức theo tháng sinh gắn đá nhái/giả. Mức độ thịnh hành: phổ biến. 

Synthetic Spinel

Các viên đá spinel tổng hợp hình quả lê và đá mài giác này minh họa cách mà vật liệu nhân tạo này có thể được tạo ra trông giống như các loại đá quý khác, chẳng hạn như ruby và nhiều màu sắc khác nhau của sapphire.

Synthetic rutile – Rutile tổng hợp đã được giới thiệu vào cuối những năm 1940 và được sử dụng làm vật liệu mô phỏng kim cương sớm nhất.

Natural Diamond and Synthetic Rutile

Kim cương tự nhiên (trái) và các vật liệu nhái/mô phỏng kim cương: (bên trong từ trái sang phải) rutile tổng hợp, gadolinium gallium garnet (hay GGG), spinel tổng hợp, strontium titanate, corundum tổng hợp, yittrium aluminum garnet (hay YAG), và zircon không màu.

Được chế tạo bằng phương pháp nhiệt nóng chảy trong ngọn lửa, nó gần như không màu với một chút màu hơi vàng, nhưng nó vẫn có thể được tạo ra với nhiều màu khác nhau bằng cách pha thêm tạp chất (thêm hóa chất trong quá trình tăng trưởng). Mức độ thịnh hành: hiếm.

Strontium titanate – Vật liệu nhân tạo không màu này đã trở thành vật liệu mô phỏng kim cương phổ biến trong những năm 1950. Tuy nhiên, độ tán sắc của nó (tính chất quang học tạo ra độ rực lửa trong đá quý mài giác) lớn hơn kim cương gấp bốn lần. Strontium titanate thường được sản xuất bằng phương pháp nhiệt nóng chảy trong ngọn lửa và có thể được tạo ra các màu như đỏ đậm và nâu, bằng cách thêm một số hóa chất trong quá trình tăng trưởng. Mức độ thịnh hành: hiếm.

YAG and GGG – YAG và GGG – nhiều vật liệu nhân tạo đã được sử dụng làm vật liệu mô phỏng kim cương trong những năm qua. Vào những năm 1960, yttrium aluminum garnet (YAG) và “người anh em họ” gadiumium gallium (GGG) của nó đã tham gia vào nhóm vật liệu mô phỏng cổ điển như thủy tinh, zircon tự nhiên và spinel tổng hợp không màu. YAG và GGG cũng được tạo ra với nhiều màu sắc khác nhau. Mức độ thịnh hành: hiếm.

YAG

Yittrium aluminum garnet (hay YAG) có thể được sản xuất với nhiều màu sắc khác nhau như những gì nhìn thấy ở đây. Các tinh thể không màu được sử dụng làm vật liệu mô phỏng kim cương từ dạng chưa cắt mài đến dạng mài giác.

Synthetic cubic zirconia (CZ) – CZ tổng hợp – các vật liệu mô phỏng kim cương thời đầu đã gần như được thay thế hoàn toàn trong ba thập kỷ qua bởi CZ không màu. Nó được tạo ra bởi một quá trình gọi là “skull melting – nóng chảy hộp sọ”. Khi vật liệu tan chảy, phần bên ngoài được giữ lạnh để tạo thành một lớp vỏ rắn sau đó bao quanh khối nóng chảy. CZ có thể được sản xuất ở hầu hết mọi màu sắc và trong các sắc độ màu tối hơn, nó là một sự thay thế thuyết phục cho các đá quý màu tím, lục và các đá có tông màu tối khác bao gồm cả màu đen. Mức độ thịnh hành: phổ biến.

Synthetic Cubic Zirconia

Cubic zirconia (hay CZ) cũng được sản xuất với nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên CZ không màu là loại vật liệu mô phỏng kim cương không màu thuyết phục nhất.

Synthetic moissanite – Moissanite tổng hợp không màu được giới thiệu vào cuối những năm 1990 là vật liệu mô phỏng kim cương. Nó gần với kim cương về vẻ ngoài tổng thể hơn bất kỳ vật liệu nhái/giả kim cương nào trước đây, nhưng bây giờ nó thường được bán như một loại đá quý theo đúng nghĩa của nó. Mức độ thịnh hành: thỉnh thoảng.

Natural diamond and synthetic moissanite

Kim cương tự nhiên (trái) và (bên trong từ trái sang phải), moissanite tăng trưởng trong phòng thí nghiệm với dãy màu từ gần không màu đến lục nhạt.

Glass – Thủy tinh được sản xuất trong các nhà máy là một loại đá quý nhái/giả lâu đời nhất mà vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Glass Malachite and Rutilated Quartz

Thủy tinh, ví dụ như vật liệu này, có thể được chế tạo để trông có vẻ giống như nhiều loại đá quý khác nhau; trong trường hợp này, thủy tinh tạo ra sự thay thế thuyết phục cho malachite (trái) và thạch anh chứa rutile (phải).

 

Opal Simulants, slocum stones

Vật liệu thủy tinh này được gọi là “slocum stone – đá slocum” có thể bắt chước vẻ ngoài của đá opal.

Vì thủy tinh có thể được sản xuất với hầu hết các màu, điều này làm cho nó trở thành vật liệu thay thế phổ biến cho nhiều loại đá quý. Mặc dù ít rực rỡ hơn, thủy tinh được sử dụng để nhái/mô phỏng các loại đá như thạch anh tím, aquamarine và peridot. Nó cũng có thể được tạo ra để có vẻ ngoài trông giống như đá quý có hiệu ứng quang học tự nhiên, như mắt hổ và tán sắc nhiều màu của đá opal và các lớp thủy tinh dạng dòng chảy có thể bắt chước dáng vẻ của mã não, malachite hoặc đồi mồi (tortoise shell – mai rùa). Mức độ thịnh hành: phổ biến.

Plastic – Nhựa thường được sử dụng để nhái/mô phỏng đá quý trong các món trang sức thời trang rẻ tiền. Tuy nhiên, vật liệu nhân tạo hiện đại này cũng đã được làm giả thành vật liệu mô phỏng một cách thuyết phục các loại đá quý nguồn gốc hữu cơ như hổ phách, ngọc trai và san hô, hoặc các khoáng vật đa khoáng như cẩm thạch, turquoise và lapis. Nhựa không phải là vật liệu mô phỏng bền vững, vì vậy phải đặc biệt cẩn thận để tránh hư hỏng. Mức độ thịnh hành: phổ biến.

Quench crackled quartz – Thạch anh xử lý tạo mạng lưới rạn nứt – Thạch anh không màu tự nhiên đôi khi có thể xử lý bằng quá trình sốc nhiệt, được gọi là “giảm nhiệt đột ngột tạo mạng lưới rạn nứt”.

Quench Crackled Quartz

Thạch anh không màu có thể bị xử lý sốc nhiệt tạo ra một loạt các vết rạn nứt nhỏ trên khắp viên đá. Sau đó, thuốc nhuộm được đưa vào, làm cho khoáng vật này có thể nhái/mô phỏng nhiều loại đá quý khác nhau, trong trường hợp này là emerald và ruby.

Trước tiên, khoáng vật không màu này được nung nóng, sau đó được làm nguội đột ngột trong dung dịch lỏng, lạnh – nước. Sự co lại đột ngột khiến khoáng vật này phát triển một loạt các vết rạn nứt lan tỏa khắp viên đá. Vì đây là các vết rạn nứt phát triển ra đến bề mặt, nên sau đó thạch anh có thể được ngâm thêm vào dung dịch thuốc nhuộm, cho phép các vết rạn nứt được lấp đầy bởi chất lỏng có màu. Điều này tạo ra một vật chất mô phỏng thuyết phục cho các loại đá quý tự nhiên như emerald, ruby và sapphire, mặc dù vẻ bề ngoài bị rạn nứt và nhuộm màu có thể nhanh chóng được nhìn thấy dưới kính hiển vi ngọc học. Mức độ thịnh hành: thỉnh thoảng.

Ceramic beads – Các hạt ceramic – bạn có lẽ đã nghe đến thuật ngữ “ceramic – gốm sứ” dùng cho các đồ gốm sứ bằng đất sét. Nói chung, ceramic có thể là bất kỳ sản phẩm nào được làm từ vật liệu phi kim loại bằng cách nung ở nhiệt độ cao. Hai loại đá quý không mài giác phổ biến, đá nhái/giả turquoise và lapis lazuli, được tạo ra bởi các quá trình nung ceramic này. Trong quá trình này, một loại bột nghiền mịn được nung nóng và đôi khi được đặt dưới điều kiện áp suất để kết tinh và làm cứng để tạo ra một vật chất rắn hạt mịn. Mức độ thịnh hành: thỉnh thoảng.

Imitation turquoise – đá nhái/giả turquoise – màu xanh và màu lục dịu mát của turquoise đã thu hút mọi người trong nhiều thế kỷ.

Gilson Imitation Turquois and Lapis Lazuli

Vật liệu nhái/giả turquoise và lapis lazuli của Gilson tạo ra sự thay thế thuyết phục cho các bản sao của chúng trong tự nhiên.

Hơn 5.000 năm trước, các Pharaoh Ai Cập là những người đầu tiên tô điểm, làm đẹp cho mình bằng đá turquoise. Đá quý quen thuộc này là một tập hợp vi tinh thể, đá chủ thường có các bao thể dạng mạch/rãnh hấp dẫn, được gọi là mạng lưới nền. Đầu những năm 1970, Gilson đã giới thiệu 2 loại vật liệu mới dùng nhái/giả turquoise và lapis. Mức độ thịnh hành: thỉnh thoảng.

Imitation lapis lazuli – Lapis lazuli nhái/giả – lapis màu xanh đậm, được đánh giá cao, được yêu thích bởi các nền văn minh cổ đại, đã được khai thác ở Afghanistan trong hơn 6.000 năm trước. Đá quý này là một tập hợp của một số khoáng vật khác nhau. Nó đôi khi chứa các đốm pyrite màu vàng có thể tăng sức vẻ hấp dẫn của nó. Lapis của Gilson được coi là vật liệu nhái/bắt chước tương đối hoàn hảo bởi vì nó có một số thành phần và tính chất vật lý khác với lapis tự nhiên. Mức độ thịnh hành: hiếm.

ASSEMBLED STONES – ĐÁ GHÉP:

Khi các nhà sản xuất dán hoặc nối/hợp nhất hai hoặc nhiều mảnh vật chất riêng biệt lại với nhau dưới dạng đá quý mài giác, kết quả được gọi là đá dán hoặc đá lắp ghép. Các mảnh riêng biệt có thể là tự nhiên hoặc nhân tạo. Các bề mặt phẳng được dán với nhau song song với giác mặt bàn lớn của viên đá để tạo ra màu sắc đồng nhất hơn khi nhìn trực diện.

Doublet – Đá ghép hai lớp – bao gồm hai miếng kết hợp với nhau. Mức độ thịnh hành: phổ biến.

Doublet

Đá ghép 2 lớp, chẳng hạn như viên này, gồm hai phần đá ghép lại với nhau , chúng được nối lại với nhau bằng keo không màu, như hình ảnh nhìn nghiêng mà khoáng vật này thể hiện.

Triplet – Đá ghép 3 lớp – gồm có ba miếng ghép lại hoặc hai miếng được ghép lại với nhau, ngăn cách bởi một lớp keo kết dính có màu. Mức độ thịnh hành: phổ biến.

Triplet

Đá ghép ba lớp gồm hai hoặc nhiều miếng của một viên đá quý, hoặc nhiều loại đá quý khác nhau, được dán/ghép lại bằng các lớp keo. Trong hình ảnh nhìn nghiêng, hình này cho thấy một lớp nối mỏng bằng đá opal ở giữa, phần opal này được gia cố bởi miếng chalcedony nhuộm màu đen lót dưới đáy và được phủ lên (khu vực hình vòm) bởi một viên đá thạch anh mài dạng cabochon.

Mặc dù, đá ghép 2 và ba lớp thường được sử dụng để nhái/bắt chước đá quý tự nhiên, chủ yếu để làm tăng trọng lượng của đá quý, ví dụ như đá ruby, sapphire có bề dày mỏng, trọng lượng nhỏ sẽ được ghép thêm các lớp đá nhân tạo hoặc đá tự nhiên khác nhưng rẻ tiền hơn nhiều. Nhưng đá lắp ghép không phải lúc nào cũng là vật liệu dùng để nhái/giả đá quý tự nhiên. Điển hình là trường hợp của đá opal tự nhiên, đôi khi hiện diện trong các lớp, các mạch rất mỏng đến mức chúng cần được gia cố đủ cứng chắc để sử dụng làm trang sức. Onyx đen, nhựa hoặc đá nền tự nhiên đã được dùng như các lớp dưới cùng trong đá opal hai hoặc ba lớp dạng cabochon. Đá opal ghép 3 lớp thường có phần trên đỉnh – phần vòm trong suốt làm bằng đá thạch anh pha lê, nhựa, thủy tinh hoặc corundum tổng hợp. Tuy nhiên đối với những người có kinh nghiệm thì việc phát hiện ra loại đá ghép này thì không có gì là khó khăn vì giữa các lớp dán thường sẽ có ranh giới và thường có các bọt khí.

(Lược dịch theo “An Introduction to Simulants or Imitation Gem Materials”, Robert Weldon, GIA)