Đá quý có cấu trúc căm xe (Bản tin tháng 04/2008)

Đá quý có cấu trúc căm xe (trapiche pattern)

Hình 1: a) Emerald căm xe ở Columbia có các bao thể màu đen tạo khung. b) Ruby căm xe ở Mong Hsu, Myanmar có các bao thể màu vàng, xám tạo khung. c) Saphia căm xe màu vàng xám và màu hồng phớt tím nhạt ở Mong Hsu, có các bao thể màu xám và đen tạo khung. Các khung có dạng hệ thống căm xe, chúng đều chứa nhiều tạp chất có màu sắc, dáng vẻ khác hẳn đá gốc. Hình của T. Hainschwang.

Cấu trúc căm xe là một dạng tăng trưởng ở đá quý có hình dạng giống hệ thống căm ở các niền bánh xe (hình 1a, 1b, 1c). Nó giống hình ngôi sao, tuy nhiên sao này cố định và thấy dễ dàng ở ánh sáng thường do các thành phần trong đá quá khác biệt. Nó khác hoàn toàn với sao ngời sáng ở các đá ruby, saphia sao. Sao sáng chỉ thấy được khi chiếu bằng nguồn sáng mạnh và sao di chuyển theo nguồn sáng. 

Cấu trúc căm xe đầu tiên liên quan đến đá emerald, do người ta phát hiện kiểu tăng trưởng có dạng “hình sao cố định” trong đá emerald (hình 1a) ở các mỏ Munoz, La Pena và Coscuez thuộc Columbia. Năm 1879, Bertrand mô tả hiện tượng này đầu tiên. Sau đó thị trường đã đặt tên cho hiện tượng này là kiểu trapiche. Cách gọi tên đá có kiểu cấu trúc này là “trapiche + tên đá”. Thí dụ, đá emerald nào có kiểu tăng trưởng này sẽ được gọi tên là trapiche emerald (emerald căm xe); đá ruby có cấu trúc này gọi là trapiche ruby…


Thoạt đầu các nhà ngọc học đã giải thích viên đá có cấu trúc tăng trưởng kiểu căm xe là do những tinh thể đá ghép lại (gọi là hợp tinh) theo cách bất thường. Tuy nhiên, giờ đây ta biết đó là nhận định sai lầm vì nó chỉ là một tinh thể duy nhất. Mãi đến 1970, các nhà ngọc học chấp nhận giải thích cấu trúc căm xe được tạo ra là do tăng trưởng kiểu khung xương (còn gọi là tăng trưởng phân nhánh), do tốc độ tăng trưởng của đá ở các cạnh và góc nhanh hơn các mặt tinh thể và có sự thay đổi điều kiện kết tinh. Những điều này dẫn đến hình thành các kênh giúp tập trung nhiều tạp chất, chúng có dáng vẻ khác biệt đá gốc và tạo nên khung xương rất giống hệ thống căm xe, khung này phát triển gần như xuyên suốt viên đá. Khi cắt thành từng lát mỏng song song, cấu trúc căm xe hay hình sao đều xuất hiện với hình dạng thay đổi chút ít, khác hẳn với đá sao vì sao chỉ xuất hiện ở bề mặt. Các đá căm xe thường có độ trong thấp. Đá tourmaline căm xe ở Zambia (hình 2 & 3) có cấu trúc khung phức tạp hơn các đá trong hình 1. Khung chứa các bao thể màu đen và phân bố suốt chiều dài tinh thể. Ở hai đầu tinh thể, khung đơn giản chỉ có 3 tia. Càng vào giữa tinh thể, khung phân nhánh phức tạp hơn với 3 tia, 6 tia và các hình lục giác (hình 3). Quan sát dưới phóng đại, thấy đa số các bao thể sắp xếp hướng tâm và tập trung nhiều ở phạm vi khung.

Hình 2: Các tinh thể đá tourmaline ở Zambia có cấu trúc căm xe (khung xương). Khi cắt những miếng thẳng góc với chiều dài ta sẽ thấy rõ cấu trúc này. Hình của Robert Weldon.

Hình 3: Tourmaline căm xe ở Zambia. Hai tinh thể tourmaline đã được cắt thành những miếng thẳng góc với chiều dài. Các miếng cho thấy cấu trúc căm xe là các khung màu đen (do chứa bao thể màu đen), phân bố suốt chiều dài tinh thể. Về phía 2 đầu tinh thể, khung có khuynh hướng đơn giản hơn, chỉ có 3 tia. Càng vào giữa tinh thể, khung phân nhánh phức tạp hơn, có đến 6 tia và ô lục giác. Hình của T. Hainschwang.

Cấu trúc này rất độc đáo, hiếm khi xuất hiện và chỉ có ở một số loại đá như emerald, ruby, saphia, tourmaline, thạch anh và andalusite… Nếu bạn nhìn thấy cấu trúc này ở đá thì bạn có thể yên tâm đây là đá quý tự nhiên. Nếu bạn là người thích đá lạ thì cũng nên tìm một số viên có cấu trúc căm xe cho bộ sưu tập của mình.

Điều kỳ diệu của thiên nhiên

 

 

Hình 4: Viên đá tsavorite có một không hai này cực lớn 325,13 ct, xuất xứ từ Merelani, Tanzania. Hình của Robert Weldon.

Trong hội chợ đá năm 2007 ở Tucson, bang Arizona Mỹ có trưng bày một số mẫu đá quý mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ thấy được, hoặc khó tin rằng chúng có thật.

Trong hình 4 là viên tsavorite mài giác, trong suốt, nặng đến 325,13 ct, có nguồn gốc ở Merelani, Tanzania. Tsavorite là một loại đá thuộc nhóm phụ garnet grossularite, đá có màu lục, lục phớt vàng. Nó thuộc loại hiếm và giá trị nhất trong nhóm garnet. Viên đá này được đưa đến triển lãm có lẽ vì các tính chất có một không hai của nó. Đá có màu rất đẹp: màu lục mạnh. Đá lớn nhưng rất trong, độ rực sáng mạnh. Kích thước của một viên tsavorite mài giác như nó thì quá lớn. Tất cả yếu tố gộp lại làm cho viên đá thuộc loại cực hiếm và giá cực cao. Khi ta chỉ vừa thấy nó thì chắc chắn ta sẽ bị nó thu hút ngay vì vẻ đẹp kỳ lạ ấy.

Hình 5: Bên trái: Một phiến đá lớn, dài 2,20 m, cao 0,5 m và dày 4cm. Đây là đá jasper ở Úc, jasper là đá chalcedony có nhiều màu sắc và dáng vẻ khác nhau phối hợp. Trong đó chứa các dãy đá có vân sọc là đá mắt cọp (tiger’s-eye). Bên phải là hình chụp cận cảnh một phần rất nhỏ ở đầu trái của hình bên trái. Với những hoa văn lạ lùng thế này làm chúng ta nghĩ đến một bức tranh chứ không phải là phiến đá. Hình của Robert Weldon.

Trong hình 5, bạn nghĩ vật trưng bày là cái gì? Có giống một bức tranh phong cảnh vẽ bằng sơn dầu không?

Thoạt nhìn, vật trưng bày trông như một bức tranh phong cảnh, không ai nghĩ ngay nó là một phiến đá. Điều khó tin lại là sự thật, phiến đá với nhiều hoa văn lạ lùng này có nguồn gốc ở Úc. Phiến đá này là jasper (hình 5), dài hơn 2,2 m, nó là một loại chalcedony với nhiều màu và hoa văn khác nhau. Chalcedony là một nhóm có nhiều loại đá phân biệt dựa vào màu sắc và sự phân bố các màu sắc ấy, phổ thông nhất mà ta hay gặp là agate, onyx, chrysoprase… Một dịp nào đó chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn các đá thuộc nhóm chalcedony. Đặc biệt trong phiến đá jasper này, có các dãy đá mắt cọp (là đá thạch anh ở dạng sợi vi tinh). Đá mắt cọp có giá trị hơn jasper, tuy nhiên nếu ta đem cắt nhỏ phiến đá này để lựa và mài thành những viên mắt cọp thì quả là phí. Chalcedony có rất nhiều dạng hoa văn, có những hoa văn rất đẹp, gặp những dạng này, người ta không mài thành hạt, thành vòng mà giữ nguyên miếng đá, cắt thành nhiều lớp và mài bóng để đá hiện lên các hoa văn như tranh vẽ và bán dưới dạng đá sưu tập và trang trí. Tuy nhiên loại đá có hoa văn đẹp này thường có kích thước nhỏ, màu sắc không nhiều. Qua đó, ta thấy phiến đá jasper này quả là có một không hai, bởi kích thước quá lớn (> 2,2 m), hoa văn quá đẹp và nhiều màu sắc. Chắc chắn là khó kiếm một phiến nào đẹp như nó, do đó không thể cắt nhỏ nó ra để mài thành những sản phẩm khác. 

Hình 6: Các ổ đá thạch anh khổng lồ này có nguồn gốc từ Brazin, chúng cao hơn cả cô chủ của chúng. Ổ màu tím là amethyst, ổ màu vàng là citrine. Tuy nhiên để có được đá màu vàng citrine thì người ta phải có những lò nung khổng lồ để nung các ổ amethys thành màu vàng. Hình của B. Laurus.

Ở hình 6, nếu không thấy một cô gái đứng kế bên các ổ đá thì có lẻ bạn sẽ chẳng thấy gì là lạ lùng. Nhưng thực tế ta phải ồ lên vì ngạc nhiên, các ổ này có gốc ở Brazin, chúng cao hơn cả chiều cao của một người lớn (cao hơn 2 m). Phải gọi chúng là các ổ đá khổng lồ.

Ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, các ổ đá thạch anh đã có thị trường. Có người mua để sưu tập, người mua để trang trí hay dùng vào mục đích phong thủy. Chuộng nhất là ổ amethyst (thạch anh màu tím) và citrine (thạch anh màu vàng). Tuy nhiên đa số các ổ đều cao cỡ vài tấc, cao cỡ 1 m cũng đã hiếm, hầu hết đều nhập từ Brazin.

Trên thế giới, nhưng ổ có kích thước khổng lồ như hình 6 quả là có một không hai. Để lấy được những ổ đá này ra khỏi đá gốc phải là một kỳ công, nếu làm không khéo, vách của chúng sẽ bể và không còn dạng ổ.  Kỳ công thứ hai là người ta phải có những lò nung khổng lồ để biến những ổ đá màu tím biến thành màu vàng và nung phải đúng quy cách nếu không cũng sẽ phá hủy ổ đá.

Các tin khác