Opal màu lấp lánh mới ở Welo, Ethiopia (Bản tin tháng 06/2009)

Opal màu lấp lánh mới ở Welo, Ethiopia (Bản tin tháng 06/2009)

(Tác giả Benjamin Rondeau, Francesco Mazzero, Eyasu Bekele, Jean-Pierre Gauthier, Emmanuel Fritsch, G&G Spring 2009 – biên tập Đỗ Tường Huy)

Một nguồn Opal màu lấp lánh chất lượng cao đã được phát hiện vào đầu năm 2008 ở tỉnh Welo, Ethiopia, cách khoảng 500km về phía bắc của Addis Ababa. Tích tụ này khác biệt về mặt địa lý với tích tụ Mezezo ở tỉnh Shewa đã được phát hiện vào đầu những năm 1990 (Spring 1994 Gem News, trang 52 - 53).

Những người cộng tác đã giám định một gói gồm 5 viên thô và 30 viên Opal Welo đã cắt mài được Opalida và Eyaopal là những nhà phân phối chính loại đá này. Các viên cabochon đã thể hiện tính lấp lánh màu sắc tốt (hình 1). Chủ yếu phần lớn có màu trắng và trong suốt, nhưng một vài viên lại có màu chính thay đổi từ vàng nhạt đến nâu chocolate đậm. So sánh với Opal Mezezo (J. P. Gauthier và cộng sự, “L’Opale d’Ethiopie: Gemmologie ordinaire et caracteristiques exceptionelles”, Revue de Gemmologie a.f.g, số 149, 2004, trang 15-23), các viên từ mỏ mới này thường trắng hơn. Chúng tôi đã chú ý tất cả các phổ màu trong phần màu lấp lánh trên các mẫu. Hầu hết các viên cabochon có vẻ bên ngoài tương tự như opal của Úc hoặc Brazil. Tuy nhiên nhiều mẫu có phần màu lấp lánh với cấu trúc dạng cột bên trong phần opal thông thường (hình 2), giống như đã mô tả đầu tiên trong loại opal từ Mezezo (xem lại Gauthier và cộng sự, 2004). Đặc điểm này rất hiếm thấy trong opal có nguồn gốc bên ngoài Ethiopia.

Hình 1: Các viên opal này (7,55 – 23,48ct) có nguồn gốc từ tích tụ mới ở tỉnh Welo, Ethiopia. Loại này có màu đặc trưng nhạt hơn so với opal từ tỉnh Shewa. Hình của Robert Weldon.

Hình 2: Một vài mẫu Welo giống như mẫu nặng 8,19ct này cho thấy màu lấp lánh với cấu trúc dạng cột bên trong phần opal thông thường, đây là đặc điểm của opal ở Ethiopia. Hình của B. Rondeau.

Tỷ trọng thủy tĩnh của Opal thay đổi trong khoảng 1,80 – 2,10. Khoảng rộng này là một phần do độ rỗng cao của một vài mẫu, bị lộ ra bởi sự tăng trọng lượng đáng kể khi nhúng trong nước (lên đến 8%). Phát huỳnh quang thay đổi từ trắng phớt vàng yếu đến vừa đối với cả 2 tia cực tím sóng dài và sóng ngắn. Các mẫu phát huỳnh quang yếu lại thể hiện tính phát lân quang màu lục cường độ vừa một cách không mong đợi. Không quan sát được sự phát quang nào đối với các mẫu có màu chính là vàng đến nâu, ngay cả với các viên nhạt màu; các viên đậm màu này có lẽ do sự hiện diện của sắt làm ngăn chặn sự phát quang. Sự phát quang vàng đến lục dường như do uranium (E. Gailou và cộng sự, “The geochemistry of gem opals as evidence of their origin”, Ore Geology Reviews, Vol. 34, 2008, trang 113 - 126). Phổ Raman chuyển hóa dạng Fourier thu được từ một vài mẫu bằng cách sử dụng phổ kế Bruker RFS 100. Tất cả phổ là không đổi đối với opal vi tinh (CT-opal), với dãy phổ Raman ở 1070, 780, 670 và 345cm-1 và dãy phổ liên quan đến nước ở 3200 và 2950cm-1.

Welo opal được tìm thấy trong đá núi lửa, có thể là rhyolite. Các mẫu thô chúng tôi đã giám định chứa opal (cả loại thường lẫn loại lấp lánh) đóng vai trò như xi măng gắn kết các khe nứt của đá chủ. Nổi bật là opal ở Mezezo lấp đầy các hốc trong đá rhyolite, tạo thành các cục nhỏ. Bất kể sự khác biệt này, thực tế là cấu trúc cột đều được thấy trong opal ở cả 2 tích tụ này (nhưng rất hiếm ở các nơi khác) dường như cho thấy sự tương đồng về điều kiện thành tạo của chúng.