Thạch anh Rutile bị tẩm bởi vật liệu trong suốt (tẩm dầu/tẩm nhựa) (Bản tin tháng 06/2009)

Thạch anh Rutile bị tẩm bởi vật liệu trong suốt (tẩm dầu/tẩm nhựa) (Bản tin tháng 06/2009)

(Nguồn Phòng thí nghiệm của Hiệp hội đá quý Nhật Bản – biên tập Đỗ Tường Huy)

Thạch anh rutile là một đại diện cho loại thạch anh chứa bao thể khác nhau và nó cũng được biết đến như là “thạch anh tóc” (quartz with needles). Gần đây, thạch anh rutile được tẩm nhựa hoặc dầu đã tăng lên trong số các mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm của chúng tôi để giám định (Hình 1).

Chất lấp đầy giống như các chất lấp đầy bằng dầu hay nhựa, thông dụng trong xử lý emerald, với mục đích làm cho các nứt và các tì vết khó thấy hơn do đó viên đá cải thiện được độ sạch. Việc xử lý lấp đầy này hiện nay được bắt gặp trong thạch anh rutile với nhiều kích cỡ hạt khác nhau từ 1cm đường kính trong các vòng đeo tay cho đến các quả cầu có đường kính lớn hơn 5cm.

Phân biệt thạch anh rutile không xử lý mà chỉ dựa vào vẻ bên ngoài là rất khó, nhưng với độ phóng đại dưới kính hiển vi ngọc học thì hiện tượng lóe màu trong các mặt nứt có thể thấy được (hình 2). Hiện tượng này có thể quan sát được không chỉ ở bề mặt viên đá mà còn ở bên trong. Cũng có thể quan sát thấy một ít nhựa lấp đầy đã tích tụ trong các hốc (hình 3). Giống như trong ruby, việc xử lý lấp đầy cũng được nhận diện khi quan sát sự phản xạ khác nhau dưới độ phóng đại (hình 4).

Hình 1: Quả cầu thạch anh rutile bị lấp đầy với vật liệu trong suốt (dầu/nhựa) (đường kính 5cm). Hình của Phòng thí nghiệm hiệp hội đá quý Nhật Bản.

Hình 2: Hiện tượng lóe màu quan sát được trong khe nứt nơi các vật liệu trong suốt lấp đầy. Hình của Phòng thí nghiệm hiệp hội đá quý Nhật Bản.

Hình 3: Vật liệu trong suốt lấp đầy trong một hốc (một loại nhựa).

Hình 4: Sự phản chiếu khác nhau giữa tinh thể thạch anh gốc và vùng bị lấp đầy có thể được quan sát rõ ràng.

Thạch anh rutile không xử lý phát huỳnh quang UV yếu, trong khi các viên bị tẩm nhựa phát quang trắng xanh (hình 5 & 6). Một vài viên cho phát quang màu vàng phấn, nhưng thông thường sự phát quang của các vật liệu này mạnh hơn dưới ánh sáng cực tím sóng dài. Vì vậy nên chú ý vào các viên thạch anh rutile có phát quang không tự nhiên dưới ánh sáng cực tím.

Hình 5: Thạch anh rutile tự nhiên phát quang yếu.

Hình 6: Trong khi đó thạch anh rutile xử lý lấp đầy lại phát quang trắng xanh.

Phân tích chi tiết bằng cách sử dụng các kỹ thuật thí nghiệm như vi phổ FTIR hoặc Raman có thể phát hiện được vật liệu trong suốt không màu được sử dụng để lấp đầy. Đặc biệt kiểm tra vi phổ FTIR là ưu việt cho việc xác định vật liệu phủ trong các khe nứt không chỉ đối với thạch anh mà cho bất cứ loại đá quý nào. Kỹ thuật này hiệu quả cao khi nhận diện các loại vật liệu lấp đầy.