Viên opal thú vị (Bản tin tháng 1&2/2009)


Hình 2: Viên opal 14,04 ct đẹp này (trái) có đặc tính tăng trưởng như da bò sát một cách khác thường và gây chú ý, tuy nhiên nó đã được xác định là tự nhiên. Dưới tia UV, nó phát huỳnh quang màu lục sáng (phải). Hình của G. Ghoudhary.     

Mới đây, các thành viên của Phòng Giám định Đá quý ở Jaipur Ấn Độ đã kiểm tra một viên opal có kiểu tăng trưởng bất thường và thú vị. Viên opal hình ovan 14,04 ct (hình 2, trái) màu trắng sữa đến không màu, bán trong suốt, có hiệu ứng lóe màu sặc sỡ rõ. 

Chiết suất điểm là 1,46 và tỷ trọng 2,03, phù hợp với đá opal – có thể là tự nhiên hay tổng hợp. Viên đá phát huỳnh quang màu lục sáng nổi bật với tia cực tím (hình 2, phải), phản ứng ở sóng ngắn thì mạnh hơn sóng dài. 

Hình 3: Thấy rõ lóe màu dạng cột khi chiếu sáng viên đá bằng đèn sợi quang (trái). Các cột có vẻ phớt xám khi nguồn sáng thay đổi hướng (phải). Hãy chú ý đến các vùng trong suốt nằm giữa các đới màu xám. Hình của G. Ghoudhary; phóng đại 70x (trái), 50x (phải). 

Với phóng đại và chiếu sáng bằng đèn sợi quang, các đốm lóe màu có vẻ giới hạn trong các đới hay mặt (hình 3, trái), chúng gây ấn tượng vì đã tạo thành các cột nhô lên từ một nền chung. Khi di chuyển nguồn sáng, màu của các đới thay đổi diệu kỳ; trong một số hướng, chúng chuyển sang màu phớt xám (hình 3, phải) và lộ ra cấu trúc tăng trưởng của viên opal này. Khảo sát kỹ, thấy một số đới màu trắng sữa nằm rõ ràng giữa ranh giới các cột. Nhìn thẳng theo chiều dài cột, thấy kiểu tăng trưởng tế bào (hình 4, trái). Khi quan sát viên đá nhúng trong nước, cấu trúc tăng trưởng tế bào hiện ra các đới màu trắng ngoài mong đợi thành kiểu mạng lưới, có đường biên theo kiểu giả lục giác (hình 4, phải), làm cho chúng rất giống kiểu “da loài bò sát” tiêu biểu cho đá opal tổng hợp. 

E. J. Gübelin và J. I. Koivula, 2005 có minh họa kiểu cấu trúc cột và tế bào trong đá opal tự nhiên ở Nevada. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy văn bản nào đề cập một cấu trúc tế bào có các đường biên phớt trắng như trên cả. 

Hình 4: Khi nhìn viên đá theo chiều dài cột thì thấy rõ kiểu tế bào dưới ánh sáng phản chiếu (trái). Khi dùng ánh sáng xuyên qua, thấy được cấu trúc da bò sát với các ranh giới màu trắng, giả lục giác (phải). Hình của G. Ghoudhary; phóng đại 50x (trái), 80x (phải).  

Các đặc điểm chung của viên opal này khẳng định nó có nguồn gốc tự nhiên, nhưng phải đo  phổ FTIR (Hồng ngoại Biến hình Fourier) để khẳng định điều này. Phổ đo được phù hợp với vật liệu tự nhiên, có một dãy hấp thu ở vùng 5350-5000 cm-1, một dãy nhô lên từ 4600 đến 4300 cm-1 và hấp thu mạnh ở 4000-400 cm-1 . Phân tích EDXRF thấy có Si, các vết của Ca và Fe. 

Đây là một minh họa khác về tính quan trọng của sự khảo sát kỹ lưỡng. Nếu giải đoán sai đặc tính tăng trưởng trong viên opal tự nhiên này là kiểu da bò sát có thể sẽ dẫn đến kết luận sai đó là viên opal tổng hợp. (Theo Gagan Choudhary, GemNews Hè 2008)