Ba Viên Kim Cương Nhân Tạo Kích Thước Nhỏ (Bản tin tháng 05/2012)

Hình 5: Các viên kim cương nhân tạo kích cỡ nhỏ như những viên này (0,009; 0,010 và 0,080 ct) thường gắn trên trang sức làm điểm nhấn gây khó khăn cho việc xác định nếu không kiểm tra cẩn thận. Ảnh chụp bởi Sood-Oil (Judy) Chia.

Kim cương nhân tạo kích thước nhỏ gây nên mối quan tâm đặc biệt trong việc kinh doanh vì chúng thường được trộn lẫn trong những lô hàng kim cương tự nhiên dạng hạt rời và hiếm khi được gửi đến các phòng giám định để kiểm tra. Trong quyển G&G Fall 2008, H. Kitawaki và những người khác có đăng tải bài “Xác định kim cương nhân tạo màu vàng kích thước nhỏ trên trang sức” (trang 202 – 213), mô tả việc xác định các viên kim cương rất nhỏ bằng cách kết hợp giữa kỹ thuật phân tích với những kiểm tra ngọc học cơ bản. Gần đây phòng giám định GIA ở New York có nghiên cứu 3 viên đá hình tròn, giác cúc màu vàng, kích cỡ nhỏ (0,009; 0,010 và 0,080 ct), chúng được đưa đến để xác định nguồn gốc màu sắc (hình 5), điều này khẳng định tầm quan trọng của việc giám định các viên kim cương nhỏ.

Nghiên cứu dưới kính hiển vi ở độ phóng đại cao cho thấy 2 trong số các viên đá hình tròn, giác cúc có chứa các bao thể kim loại nóng chảy (bị hút bởi nam châm) và các bao thể dạng đầu kim, đó là đặc điểm của kim cương nhân tạo. Mẫu thứ 3 không có bao thể nào cho thấy nó là đá nhân tạo. Cả 3 mẫu đều có đới màu nhưng không có cấu trúc tăng trưởng dạng đồng hồ cát đặc trưng của kim cương nhân tạo. Ba mẫu đều trơ dưới chiếu xạ UV sóng dài và có phản ứng màu vàng phấn từ yếu đến vừa dưới UV sóng ngắn. Không viên nào có phát huỳnh quang màu lục dạng chữ thập thường thấy trong kim cương nhân tạo khi chiếu xạ UV sóng dài và sóng ngắn. Có rất ít bằng chứng cho thấy những viên đá này là nhân tạo nên phải chuyển sang những phương pháp nghiên cứu tiên tiến hơn.

Hình 6: Hình ảnh từ thiết bị DiamondView của mẫu đá nặng 0,010 ct này cho thấy cấu trúc tăng trưởng đặc trưng của kim cương nhân tạo, với phát quang yếu hơn nhiều ở mặt {110} và các vùng tăng trưởng {113}. Ảnh chụp bởi Jason Darley.

Phổ hồng ngoại cho thấy cả 3 viên đá đều thuộc kiểu Ib, phù hợp với kim cương nhân tạo HPHT, có sự tập trung vừa của nitrogen cô lập. Quan sát cấu trúc tăng trưởng của chúng dưới thiết bị DTC DiamondView chứng thực chúng là kim cương nhân tạo cùng với đặc điểm phát quang yếu hơn nhiều trên mặt tinh thể {110} và vùng tăng trưởng {113} (hình 6).

Điều này có ý nghĩa quan trọng cho việc mua bán khi được biết thông tin về sự hiện điện của các viên kim cương nhân tạo kích thước nhỏ, chúng thường được sử dụng làm đá nhấn trên trang sức. Chúng đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn thận trước khi ra quyết định. Khi những kiểm tra ngọc học cơ bản không đem lại kết quả cuối cùng thì những phân tích tiên tiến trong phòng thí nghiệm là cần thiết. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Jason Darley, Sally Chan và Michelle Riley trong Lab Notes, quyển G&G Winter 2010)