Kim Cương Nhân Tạo Tăng Trưởng HPHT Sau Đó Xử Lý Tiếp Với HPHT Tạo Màu Hồng Phớt Tím Đậm (Bản tin tháng 05/2012)

Hình 3: Viên đá hình tròn, giác cúc màu hồng phớt tím đậm, nặng 0,20 ct này là kim cương nhân tạo xử lý. Ảnh chụp bởi Jian Xin (Jae) Liao.

Nhiều viên kim cương màu hồng đến đỏ hiện tại trên thị trường trang sức đếu có màu xử lý nhân tạo. Việc này thường phải trải qua các quá trình như khoáng vật thiên nhiên ban đầu được qua nhiều quá trình xử lý, bao gồm nung HPHT kết hợp với chiếu xạ và nung ở nhiệt độ tương đối thấp. Nung HPHT có thể được sử dụng để tạo ra nitrogen cô lập, sau đó chiếu xạ để tạo ra các chỗ rỗng và nung ở nhiệt độ thấp để tạo ra tập trung các tâm trong ô mạng tinh thể khuyết (NV) nitrogen thích hợp, điều đó tạo ra màu hồng đến đỏ (quyển G&G Winter 2005 Lab Notes, trang 341 – 343). Kỹ thuật này cũng được áp dụng trong kim cương nhân tạo tăng trưởng HPHT từ những năm 1990 (T. M. Moses và những người khác, “Hai viên kim cương nhân tạo màu đỏ xử lý màu tìm được trên thị trường”, Fall 1993 G&G, trang 182 – 190). Tuy nhiên cũng có một số kim cương nhân tạo HPHT có thể được tạo ra bằng cách tập trung nitrogen kiểm soát ở mức độ thấp có màu bên ngoài đậm hơn so với xử lý sau tăng trưởng.

Viên đá dạng tròn, giác cúc nặng 0,20 ct trong hình 3 được phòng giám định New York phân cấp màu là hồng phớt tím đậm. Mặc dù nó có rất ít bao thể bên trong nhưng lại có một mặt nứt lên đến bề mặt cùng với một hốc trên mặt bàn và các giác phần trên. Nó có đới màu mạnh, màu hồng đậm và phát quang màu đỏ phớt cam mạnh dưới cả chiếu xạ UV sóng ngắn và sóng dài.

Quan sát ban đầu nhận định rằng đây có thể là một trong những viên kim cương đã qua nhiều quá trình xử lý như miêu tả ở trên. Phổ giữa hồng ngoại cho thấy đây là kim cương kiểu Ia có sự tập trung nitrogen rất thấp. Phổ hấp thu cực tím trong vùng nhìn thấy được đo bằng phổ kế UV-Vis có độ phân giải cao cho thấy màu hồng được tạo ra bằng các tâm NV khuyết lớn ở 575 và 637 nm. Các tâm khuyết lớn này có thể được tạo ra bằng xử lý HPHT và cường độ của chúng liên quan đến lượng nitrogen trong kim cương. Những đặc điểm trong phổ nhìn thấy như đỉnh hấp thu mạnh ở 595 nm là do chiếu xạ nhân tạo. Tất cả quan sát này khẳng định xử lý chiếu xạ/nung nhiệt liên quan đến việc hình thành các tâm NV, nguyên nhân tạo ra màu hồng hấp dẫn. Những đặc điểm này rất giống với những đặc điểm thấy trong kim cương thiên nhiên đã trải qua nhiều quá trình xử lý.

Hình 4: Dưới thiết bị DiamondView, viên đá hình tròn giác cúc trong hình 3 có cấu trúc tăng trưởng nhân tạo tinh vi, thấy rõ hơn ở phần đáy (bên trái). Ảnh chụp bởi Paul Johnson.

Tuy nhiên khi nghiên cứu cẩn thận dưới thiết bị DTC DiamondView cho thấy cấu trúc tăng trưởng tinh vi là biểu hiện của kim cương nhân tạo tăng trưởng HPHT. Nhìn trực diện các đới tăng trưởng bất thường tạo sự nghi ngờ nhưng chưa chắc chắn, trong khi đó hoa văn nhìn dưới đáy cho thấy rõ nhiều phần tăng trưởng nhân tạo (hình 4). Có được điều này là do kim cương nhân tạo được tăng trưởng cẩn thận với việc tập trung nitrogen rất thấp (~ 1 ppm) nhưng vẫn đủ để tạo nên sự tập trung cao các tâm NV trong suốt quá trình xử lý sau tăng trưởng.

Do đó cần phải cẩn thận để phân biệt giữa loại kim cương nhân tạo màu hồng đến đỏ này với kim cương thiên nhiên bị xử lý. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Paul Johnson trong Lab Notes, quyển G&G Winter 2010)