Khoáng Nuummite Xuất Xứ Từ Mauritania (Bản tin tháng 01/2013)

Hình 9: Đá Nuummite (một tập hợp khoáng orthoamphibole tán sắc óng ánh nhiều màu) từ Mauritania nặng từ 9,20 – 16,03 ct với đặc trưng là sự thay đổi màu. Mẫu đá và hình ảnh được ông G. Scott Davies tặng cho GIA làm mẫu; số hiệu 38384 – 38386.

Orthoamphibole tán sắc nhiều màu (anthophyllite-gedrite) được ghi nhận như là một khoáng vật quý từ vùng Greenland cách nay hơn 25 năm (xem bài viết của P. W. Uitterdijk Appel và A. Jensen, “Một khoáng vật quý mới từ Greenland: orthoamphibole tán sắc nhiều màu”, quyển G&G Spring 1987, trang 36 – 42, http://dx.doi.org/10.5741/GEMS.23.1.36). Mãi đến thời gian gần đây, loại khoáng vật quý này mới được gọi là Nuummite theo tên của khu vực khai thác. Khoáng vật vùng Greenland nổi tiếng với hiệu ứng tán sắc óng ánh vàng, ngoài ra hiệu ứng tán sắc óng ánh xanh cũng được nhìn thấy trên một số khoáng này (phần GNI quyển G&G Spring 2000, trang 73 – 74).

Năm 2009, một nguồn khoáng orthoamphibole tán sắc nhiều màu chất lượng quý đã được tìm thấy ở sa mạc Sahara thuộc miền trung Mauritania (xem bài viết của T. Kobayashi, “Khoáng vật Nuummite tán sắc nhiều màu”, Gemmology, Vol. 41, No. 486, Issue 3, trang 14 – 15 [ở Nhật]). Ba viên mài giác và một mẫu đá thô đã được ông G. Scott Davies tặng cho GIA làm mẫu (American-Thai Trading, Bangkok). Công ty của ông đã cắt mài hơn 3.000 carat khoáng vật Nuummite có hiệu ứng tán sắc nhiều màu, hầu hết là màu lục phớt xanh, ngoài ra cũng có một số viên có hiệu ứng óng ánh vàng kim và một tỷ lệ nhỏ có hiệu ứng tán sắc óng ánh màu xanh thuần khiết rất hấp dẫn (hình 9). Những viên đá thành phẩm điển hình có kích thước từ 10 đến 20 mm, tương ứng với các viên mài cabochon hay mài giác nặng từ 8 đến 20 carat. Kích cỡ này là phù hợp nhất vì nếu nhỏ hơn thì không thấy được hiệu ứng tán sắc óng ánh, còn lớn hơn thì sự phân bố màu trên đá sẽ không được đồng đều.

Hình 10: Các lát mẫu orthoamphibole Nuummite có hiệu ứng óng ánh màu xanh ở phía bên ngoài và chuyển sang màu vàng phớt lục hướng về phía trong, cho thấy sự thay đổi thành phần hóa học trong tinh thể đá. Ảnh chụp hiển vi bởi N. Renfro; phóng đại 20 lần.

Phổ hấp thu Raman đo đạc trên những lát mẫu óng ánh nhiều màu này phù hợp với khoáng anthophyllite và gedrite, khoáng vật hệ trực thoi trong nhóm amphibole Mg-Fe-Mn-Li. Các mẫu khoáng này có chỉ số chiết suất RI trong khoảng từ 1,649 đến 1,669, điều này cũng phù hợp với những ghi nhận trên phổ Raman. Một đỉnh phụ lờ mờ cũng được ghi nhận tại 1,54 là do trong đá còn có chứa khoáng vật khác. Những hạt khoáng kim loại màu đồng thau, có thể là pyrite, cũng được nhìn thấy trong các mẫu đá. Tỷ trọng thủy tĩnh SG là 2,98 ± 0,05 và cả ba viên đá mài giác đều trơ dưới chiếu xạ UV sóng ngắn và sóng dài. Dưới kính phóng đại, hiện tượng tán sắc óng ánh nhiều màu này rất giống hiệu ứng trên đá labradorite. Hiệu ứng tán sắc óng ánh nhiều màu như thế này có được là do cấu trúc song tinh của các hạt khoáng orthoamphibole tạo nên. Hiệu ứng này còn cho thấy có sự phân đới màu từ xanh đến vàng phớt lục hướng về phía tâm của tinh thể (hình 10). Kiểu đới màu đồng tâm như thế này gợi cho ta nghĩ đến việc thay đổi thành phần hóa học trong amphibole.

Khoáng orthoamphibole tán sắc óng ánh nhiều màu mới được phát hiện này đã tạo thêm sự hấp dẫn khác thường trong thế giới đá quý. Khoáng vật này cũng đã được buôn bán qua mạng internet dưới dạng các khối cầu đường kính vài centimeter. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Nathan Renfro (nrefro@gia.edu) GIA, Carlsbad trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)