Nghiên Cứu Một Số Đá Không Màu Xuất Xứ Từ Myanmar (Bản tin tháng 12/2012)

Gần đây nhóm nghiên cứu có cơ hội kiểm tra một số mẫu đá thô và mài giác gồm 04 viên đá quý không màu – phenakite, petalite, pollucite và goshenite beryl thu được từ vùng đá granitic pegmatite tọa lạc gần làng Molo thuộc Momeik, một thành phố nhỏ ở phía Bắc bang Shan, Myanmar. Tại khu vực này, pegmatite thể tường (khối đá dạng cột xuyên cắt qua các lớp địa tầng) xâm nhập xuyên qua khối đá peridotite chứa các đá gneiss, marble và các đá cal-silicate thuộc phức hệ Mogok. Loại Pegmatite này chủ yếu sản sinh ra đá tourmaline hồng chất lượng quý, cùng với các khoáng khác như topaz, beryl, hambergite, quartz và một số đá quý không màu như danh sách bên trên đã đề cập (xem hình 11 và bài viết của U H. Kyi và nhóm nghiên cứu, “Mỏ đá quý pegmatitic ở Molo [Momeik] và Shkhan-gyi [Mogok]”, Australian Gemmologist, Vol. 22, No. 7, 2005, trang 303 – 309).


Hình 11: Các mẫu phenakite (2,5 ct), goshenite (4,9 ct) và pollucite (1,0 ct) được khai thác từ Momeik, khu vực gần Mogok, Myanmar. Ảnh chụp bởi U T. Hlaing.

Các tinh thể phenakite (Be2SiO4) thường bị méo mó và một số ở dạng song tinh. Chúng còn cho thấy các dấu hiệu kiểu ăn mòn ở các mặt lăng trụ. Những viên đá quý mài giác thường nặng <1 ct. Bao thể gồm các ống tăng trưởng nhỏ và tinh thể rắn, nhỏ với nhiều hình dạng.

Các tinh thể petalite (LiAlSi4O10) có các cát khai dạng ăn mòn với nhiều rãnh sâu. Khoáng này trong suốt, có nhiều kích cỡ, sản phẩm đá quý sau cắt mài có thể đạt từ 3 – 50 ct. Có sự hiện diện của các bao thể rắn, nhỏ, dạng tròn không màu trong khoáng này.

Khoáng pollucite dạng thô (CsAlSi2O6.nH2O) không có nhiều mặt tinh thể và bề mặt của chúng thường bị nứt, rỗ và có các vết biến màu do sắt. Các viên đá quý được cắt mài có trọng tượng từ 3 – 6 ct. Chúng thường có các bao thể rắn dạng que song song nhau và các tinh thể nhọn đầu.

Các tinh thể goshenite ở dạng phiến và thường chỉ mài được các viên đá quý có trọng lượng từ 0,8 – 2,0 ct. Khoáng này có chất lượng khá với các mặt nứt bên trong chứa tạp chất 2 pha dạng “dấu vân tay”, các tinh thể dạng kim hình dạng méo mó sắp xếp ngẫu nhiên và các bao thể rắn, đục, màu trắng.

Đặc điểm ngọc học đo đạc được từ các mẫu phenakite, petalite, pollucite và goshenite thì nằm trong phạm vi của các báo cáo trước đây. Chúng có thể phân biệt với nhau bằng các đặc điểm ngọc học thông thường (các giá trị chiết suất và tỷ trọng) và đôi khi bằng các đặc điểm về hình dạng kết tinh. Khoáng petalite Burma ở dạng phiến kéo dài có đặc tính cát khai rõ, khoáng phenakite tạo nên các tinh thể lăng trụ đơn lẻ với chóp hình thoi, đặc trưng của khoáng goshenite gồm có các tinh thể lăng trụ ngắn và thường chỉ thu được các mẫu pollucite đã bị vỡ không có các mặt tinh thể. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo U Tin Hlaing, giảng viên khoa Địa Chất (đã nghỉ hưu) trường Đại học Panglong, Myanmar trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)