Những Thông tin Mới Cập Nhật Về Mỏ Emmerald Ở Afghanistan (Bản tin tháng 12/2012)

Tháng 5 năm 2011, ông Vincent Pardieu có đến Afghanistan để thu thập một số mẫu tham khảo cho phòng giám định GIA. Thật không may là do tình hình an ninh tại một số địa phương ở Afghanistan nên việc đến thăm khu vực mỏ ruby nằm gần Jegdalek hay các mỏ khác ở Badakhshan là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ông đã trải qua ba ngày tại khu vực mỏ emerald gần làng Khenj trong thung lũng Panjshir (xem thêm bài viết của G. W. Bowersox và nhóm tác giả, “Emerald ở thung lũng Panjshir, Afghanistan”, quyển G&G Spring 1991, trang 26 – 39, http://dx.doi.org/10.5741/GEMS.27.1.26).

Có khoảng 400 thợ mỏ đang khai thác tại khu vực Khenj. Việc khai khoáng được thực hiện bởi nhiều nhóm lên đến 20 người, một số làm việc theo ca ngày và đêm. Hầu hết những điểm khai thác nằm ở Kamar Safeed (hình 8), trên vách đá ở độ cao 3.000 m. Có đến 300 thợ mỏ hoạt động tại địa điểm này. Nhiều nhóm nhỏ cũng đang khai thác tại Koskanda, Norola, Siakolo, Habal và Batak. Trước đây, vào năm 2010 nghe nói tại khu vực Michalak có đến hàng trăm thợ mỏ làm việc nhưng nay đã bị bỏ hoang. Còn các mỏ Tartah và Dalnow thì được cho là đã cạn kiệt. Mối quan ngại về an ninh đã cản trở chuyến đi đến các mỏ khai thác emerald trong thung lũng Panjshir nằm ngoài khu vực Khenj (Dach Te Rivaat và Mukeni), các hoạt động nơi này được cho là bị hạn chế.

Hình 8: Nằm trên vách núi dốc, hầu hết các mỏ emerald hoạt động đều ở Kamar Safeed, khu vực gần Khenj, một làng trong thung lũng Panjshir, Afghanistan. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Tất cả các mỏ hoạt động tại Khenj đều nằm dưới mặt đất với các đường hầm giống như mê cung ở độ sâu lên đến 200 m. Bởi vì việc thu giữ chất nổ thông thường được xem là bất hợp pháp tại Afghanistan, do đó các thợ mỏ phải tự chế tạo bằng cách trộn lẫn phân bón với thuốc nổ từ bom, mìn, đạn cũ không nổ của quân đội Soviet (hình 9). Hỗn hợp này thì quá mạnh cho việc khai thác đá quý và vì vậy mà nhiều đá đẹp đã bị vỡ hay nứt do sự nổ mìn.

Hình 9: Thợ mỏ Afghanistan trộn phân bón với thuốc nổ từ các phế phẩm chiến tranh của Soviet để kích nổ đá, điều này thường gây hư hỏng các tinh thể đá vốn rất dễ vỡ. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Các thương nhân ở Kabul cho biết rằng việc sản xuất emerald đã khởi sắc hơn trong vài tháng qua và điều này cũng được các thợ mỏ ở Khenj xác nhận. Nhiều lô hàng emerald đã được xuất sang Pakistan hoặc Dubai để cắt mài. Những viên đá quý này có đặc trưng là màu lục nhạt đến đậm và thường có độ trong suốt rất cao. Hầu hết các đá thô thì nhỏ (dưới 1 g) nhưng cũng có nhiều tinh thể emerald đẹp, kích cỡ lớn, nặng đến 6 g cùng với nhiều mẫu khoáng rất thu hút. Những nghiên cứu sơ bộ về loại emerald thu thập từ khu vực Khenj (hình 10) cho thấy các bao thể hiển vi của chúng cũng thường được nhìn thấy trong emerald Colombia.

Hình 10: Các mẫu emerald này được khai thác từ vùng Khenj trong thung lũng Panjshir. Các viên mài giác nặng từ 1,5 – 2 ct. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Tình hình tại các mỏ emerald này đã được cải thiện hơn so với thời điểm mà ông V. Pardieu đến vào năm 2006. Hiện tại từ Khenj nếu đi bằng đường mới đến Kabul có thể chỉ mất 3 tiếng. Nhà máy thủy điện nhỏ đã mang điện tới thung lũng và các thợ mỏ đang sử dụng máy phát điện cho việc thắp sáng và thông gió cho các đường hầm. Mặc dù điều kiện làm việc tại các mỏ emerald ở Panjshir còn rất khó khăn nhưng các đá chất lượng cao khai thác được ở đây lại mang đến nguồn thu nhập cao cho thợ mỏ.

Chính phủ Afghanistan đối phó với nhiều thách thức, một trong số đó là sự thay thế bộ máy quản lý xuất khẩu đá thô phức tạp và không hiệu quả. Theo lời một viên chức chính phủ thì tiền thuế của một kiện hàng xuất khẩu phải được đàm phán và phải chi trả mức thuế 15%, sau đó phải chịu thêm 9% tại sân bay. Ngoài ra nhiều loại giấy tờ cần phải được ký bởi Bộ Khoáng Sản và Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Afghanistan. Toàn bộ quá trình thủ tục này mất từ 3 ngày đến 1 tuần. Do đó việc tinh giản các thủ tục, qui trình xuất khẩu sẽ khuyến khích việc xuất khẩu theo pháp luật, mang lại lợi ích cho cả ngành công nghiệp đá quý địa phương và đất nước. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Vincent Pardieu (vpardieu@gia.edu), GIA, Bangkok và Guy Clutterbuck, CGM Ltd., Dublin trong Gem News International, quyển G&G Fall 20011)