Những Thông Tin Mới Về Mỏ Ruby Và Sapphire Ở Pakistan Và Afghanistan (Bản tin tháng 03/2012)

Vào khoảng tháng 6 và 7 năm 2010 nhóm nghiên cứu có đến hai mỏ khoáng corundum ở Pakistan và Afghanistan để thu thập mẫu tham khảo cho GIA: Basil ở Pakistan và Jegdalek ở Afghanistan.

Hình 1: Các thợ mỏ người Pakistan đang đứng tại lối vào khu mỏ Basil, Pakistan. Mỏ này tọa lạc ở độ cao 4000 m so với mặt nước biển. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Tại Pakistan, ruby và sapphire được ghi nhận có ở 5 khu vực mỏ: Nangimali (tại khu vực Azad xem phần GNI quyển G&G Fall 2007, trang 263 – 265), Bisil (trong thung lũng Basha miền Kashmir do Pakistan kiểm soát), Hunza (miền Bắc Pakistan, dọc quốc lộ Karakoram; Bắc Pakistan), Basil (trong thung lũng Kaghan phía Tây Bắc tỉnh Frontier) và Batakundi (cũng trong thung lũng Kaghan, cách Basil 30 km). Đối với mỏ Bisil, nhóm nghiên cứu không thể xác nhận sự tồn tại của nó hoặc tìm hiểu thông tin về hoạt động ở nơi đó.

Khu mỏ Basil được phát hiện từ năm 1996. Có 3 mỏ được phát hiện vào tháng 6 năm 2010 và được điều hành bởi Công ty TNHH Đá Quý Kashmir (hình 1). Hai mỏ đầu cung cấp chủ yếu là sapphire hồng, tím và xanh trong các vĩa than. Mỏ thứ ba tìm thấy sapphire hồng công sinh trong đá hoa. Các mỏ này thường được khai thác từ tháng 6 đến tháng 10 bởi các nhóm nhỏ thợ mỏ sử dụng chất nổ và búa khoan. Sản lượng hiện tại ở khu mỏ này (hình 24, trái) nhiều hơn nhiều so với các khu mỏ Nangimali hay Batakundi. Từ khu mỏ mà nhóm nghiên cứu khảo sát và từ những cuộc trao đổi với thợ mỏ/dân buôn, những người làm việc tại Batakundi trong rất nhiều tháng từ năm 2003 đến 2004, họ khám phá ra rằng nguồn sapphire màu hồng đến tím trước đây được mô tả là từ mỏ Basil nhưng hóa ra lại là từ mỏ Batakundi (xem phần GNI quyển G&G Winter 2004, trang 343 – 344; www.gia.edu/research-resources/news-from-research/batakundi_sapphire.pdf). Ngược lại, khu mỏ Batakundi là nguồn của khoáng vật hoàn toàn khác (hình 2, phải) và đường xá đến đây thì rất khó khăn. Theo thông tin từ Guy Clutterbuck thì khu mỏ Batakundi ban đầu chỉ khai thác được các viên ruby nhỏ, màu đỏ đậm từ mỏ có đá gốc là đá hoa vào năm 2000, nhưng hình như ngày càng nhiều thợ mỏ bị chết vì té ngã hoặc chết vì chứng khó thở do không khí loãng. Mỏ Batakundi được cho là phải ngừng hoạt động sau sự tàn phá của động đất xảy ra tại Azad Kashmir và tháng 9 năm 2005.

Hình 2: Vài mẫu đá sapphire thô và mài giác (~0,7 ct) từ mỏ Basil trong hình bên trái. Bên phải là ruby từ Batakundi, Pakistan; những viên đá nhỏ có trọng lượng từ 0,4 – 1 ct. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Ở Afghanistan cũng có 4 mỏ ruby và sapphire. Đó là các mỏ ở Jegdalek tọa lạc trong một phần thuộc tỉnh Kabul về phía đông, gần Sorobi, nơi đây cũng là nguồn mỏ nổi tiếng về ruby trong đá hoa (G. W. Bowersox và nhóm nghiên cứu, “Ruby và sapphire từ Jegdalek, Afghanistan”, G&G Summer 2000, trang 110 – 126). Khu vực mỏ này dài khoảng 10 km, rộng 2 km và hoạt động quanh năm. Đã có khoảng 200 – 300 thợ mỏ làm việc tại khu vực này vào tháng 7 năm 2010, nhiều hơn nhiều so với thời điểm mà nhóm công tác đến nơi này khảo sát và mùa hè năm 2006 (thời điểm mà việc khai khoáng chưa được sự cho phép của chính quyền). Đá hoa chứa ruby được đào từ các hẻm vực và mở rộng ra phạm vi hàng trăm mét và một số hầm mỏ được thông tin là sâu hơn 200 m. Theo những người thợ mỏ thì sản lượng của khu mỏ này là hạn chế do thiếu chất gây nổ và do hiện tượng ngấm nước gây nguy hiểm cho các máng vực sâu.

Gần Maidan Shar thuộc tỉnh Vardak, một mỏ nhỏ sapphire đã khai thác từ đầu những năm 2000 (phần GNI quyển G&G Winter 2004, trang 343 – 344) nhưng có thông tin là mò này đã ngưng hoạt động do tại đây không có chợ mua bán đá. Khoáng vật vùng này thì quá xám và nhiều bao thể, việc xử lý bằng các phương pháp hiện nay vẫn không có hiệu quả trong việc cải thiện vẻ ngoài của chúng. Sau năm 2006 có thông tin là mỏ này đã đóng cửa.

Tại tỉnh Badakhshan cũng có một mỏ nhỏ ruby nằm trong đá hoa, mỏ này tọa lạc gần Khash (xem thêm phần GNI quyển G&G Fall 2007, trang 263 – 265), một làng nhỏ nằm cách làng Bohorak khoảng 2 giờ đi xe về hướng Tây. Vào tháng 7 năm 2010 nhóm nghiên cứu có đến khu mỏ này để thu thập thông tin nhưng không được phép đến gần khu mỏ trong phạm vi 1 km. Có thông tin rằng có khoảng dưới 10 thợ mỏ đang làm việc trong các hầm mỏ, họ đào bới trên các sười đồi theo hướng chuối xuống phía thung lũng. Theo người dân địa phương, bên cạnh ruby và một số sapphire xanh chất lượng thấp thì khu vực xung quanh Bohorak và làng Jorm còn khai thác được spinel xanh, sphene, aquamarine, tourmaline lục, hồng và diopside.

Cũng trong khu vực Badakhshan, sapphire xanh được công bố tìm thấy vào năm 2008, ở gần khu vực mỏ lapis lazuli nổi tiếng thuộc làng Sar-e-Sang. Sapphire ở đây công sinh chủ yếu với mica và thường có dạng tinh thể tháp đôi lập phương, có viên lớn nhất được tìm thấy nặng đến 4 g (hình 3). Dân buôn ở Kabul cho biết rằng thị trường chủ yếu cho loại sapphire này là Jaipur, Ấn Độ.

Hình 3: Những viên đá thô trong lô hàng sapphire từ Badakhshan, viên nặng nhất là 4g. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Năm 2010, hoạt động kinh doanh trên đường Chicken, khu vực trao đổi mua bán đá quý chủ yếu ở Kabul, trở nên nhộn nhịp hơn hẳn so với năm 2006. ruby có thể tìm mua tại Jegdalek và Tajikistan và vài lô hàng cũng có sự trộn lẫn giữa đá thiên nhiên và đá nhân tạo, đá xử lý nhiệt (nhóm nghiên cứu khẳng định rằng loại đá này có nguồn gốc từ Châu Phi). Ruby xử lý thủy tinh chì cũng khá phổ biến tại các chợ ở Kabul. Cũng có thể tìm thấy vài lô đá emerald được cho là xuất xứ từ Panjshir và Laghman (Afghanistan), Xinjiang (China), Swat (Pakistan) và Zambia. Tourmaline, kunzite và aquamarine (thông tin là từ Kunar và Nuristan) và spinel hồng từ Tajikistan cũng có thể tìm thấy với nhiều dạng chất lượng và số lượng khá lớn. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Vincent Pardieu (vpardieu@gia.edu), Phòng giám định GIA, Bangkok trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)